Đến tối 1/8, có 7/11 trẻ bị ngộ độc nặng đã chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang điều trị. Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng vì nhiễm độc quá nặng, cháu Sùng Thị Mỷ, 9 tuổi, trú tại thôn Chua Só, xã Tả Lủng đã tử vong.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã hội chẩn, tiên lượng có 3 bệnh nhân nặng đã chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang hiện đang điều trị cho 3 cháu. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, 3 trẻ khi vào viện trong tình trạng ngộ độc metanol nặng, gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, bệnh viện đã khẩn trương tổ chức hội chẩn theo đúng phác đồ để nhanh chóng thải độc cho các bệnh nhân.
Sau nhiều giờ điều trị tích cực, đến chiều 2/8, tình trạng của 3 trẻ đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã tạm thời ổn định, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Các bệnh nhân tỉnh táo, giảm bớt hiện tượng buồn nôn, nôn, đau đầu, thị giác cải thiện, các triệu chứng lâm sàng cơ bản ổn định, dấu hiệu phục hồi sức khỏe tốt.
Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá tại các huyện vùng cao Hà Giang. Quả hồng châu là loại quả rừng có độc tính rất mạnh, thường chín rộ vào những tháng mùa hè.
Tại vùng cao, trẻ khi nghỉ hè thường theo bố mẹ lên nương hoặc tự đi chơi, thấy quả hồng châu hái ăn. Đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra ngộ độc quả hồng châu.
Từ thực trạng trên cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho trẻ em còn nhiều hạn chế. Do vậy, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân.