Một tháng dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam: Vượt qua thách thức

NDO -

Tròn một tháng bước sang giai đoạn 3 khi dịch Covid-19 tái bùng phát, Việt Nam ghi nhận thêm 680 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và cả hai giai đoạn không có người chết, lần đầu tiên có ca tử vong, và liên tiếp đến nay đã có 27 người chết vì Covid. Tuy nhiên, Việt Nam đã vượt qua thách thức và ngăn chặn được những nguy cơ bằng những chiến lược có tính kế thừa trong giai đoạn này. 

Lực lượng cán bộ y tế tinh nhuệ nhất từ Trung ương đã chi viện cho Đà Nẵng gần một tháng qua.
Lực lượng cán bộ y tế tinh nhuệ nhất từ Trung ương đã chi viện cho Đà Nẵng gần một tháng qua.
Một tháng dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam: Vượt qua thách thức -0

Trong hơn tám tháng qua, kể từ khi ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, chúng ta đã bước sang đợt thứ 3 của dịch.

Giai đoạn 1, Việt Nam phát hiện ca bệnh xâm nhập bắt nguồn từ những người dân tại Vĩnh Phúc trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Giai đoạn 2, Việt Nam bắt đầu có những ca bệnh xâm nhập từ châu Âu và các nước khác trên thế giới.

Hai giai đoạn này, Việt Nam truy vết được F0 và đã có những quyết định mạnh mẽ giãn cách xã hội để khoanh vùng, dập tắt những ổ dịch trong cộng đồng.

Sau tròn 99 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng, ngày 25-7, Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn 3 của dịch Covid-19 với việc ghi nhận ổ dịch tại Đà Nẵng, tập trung tại vị trí xung yếu nhất là các bệnh viện.

Tròn một tháng bùng dịch giai đoạn 3: 680 ca mắc, 27 ca tử vong -0
 Nhiều cán bộ y tế kiệt sức khi truy vết các ca nghi nhiễm tại cộng đồng. 

Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn 3 của dịch khá phức tạp tại Việt Nam khi chúng ta không truy vết được F0. Nhiều ca bệnh đến nay không rõ nguồn lây nhiễm từ đâu. 

Đặc biệt, lần này virus SARS-CoV-2 tấn công vào vị trí xung yếu nhất là cơ sở y tế - nơi đang điều trị cho các bệnh nhân nặng có bệnh lý mạn tính như ung thư, phổi, tim mạch, suy thận mạn… nên công tác điều trị gặp vô vàn khó khăn. Có những ngày, Đà Nẵng ghi nhận gần 100 ca mắc, lan dần ra các tỉnh, thành phố lớn khác và có nhiều ca bệnh nặng. 

Để đối phó với một đợt dịch có tính chất nguy hiểm hơn trước, tại giai đoạn 3 này, lần đầu tiên Bộ Y tế huy động lực lượng hơn 300 người gồm các chuyên gia hàng đầu nhiều lĩnh vực như điều trị, xét nghiệm, truy tìm dịch tễ… tăng cường vào Đà Nẵng chống dịch. 

Các chuyên gia nhấn mạnh, để truy vết thần tốc, việc cần làm ngay của các địa phương là thành lập tổ giám sát cộng đồng để truy vết các ca nghi nhiễm, tiến hành phong tỏa trên diện rộng ở một số địa bàn, triển khai nhiều phương pháp xét nghiệm - đặc biệt là xét nghiệm rRT-PCR để phát hiện khẳng định ca dương tính chính xác.

Tròn một tháng bùng dịch giai đoạn 3: 680 ca mắc, 27 ca tử vong -0
 Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch. 

Tính đến sáng nay, sau tròn một tháng ghi nhận ca mắc trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Việt Nam đã vượt mốc một nghìn ca Covid-19 với việc phát hiện 680 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng là 540 ca. Đến thời điểm này đã có 588 bệnh nhân/1022 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Từ khi công bố ca tử vong đầu tiên vào ngày 31-7, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 27 ca tử vong có liên quan đến Covid-19. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, với những người bệnh có bệnh lý nền mãn tính, đặc biệt với bệnh nhân suy thận mạn có biến chứng tiểu đường, suy tim… khi Covid-19 xâm nhập chỉ như giọt nước tràn ly.

Ngày 30-7, Bộ Y tế thành lập "Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng" đặt dưới sự chỉ huy của PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế.

Dưới sự chỉ huy này, trong một tháng qua, việc điều chuyển sinh phẩm, máy móc, trang thiết bị đến nhân lực từ các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu đều được đáp ứng nhanh chóng. Nhờ đó công tác dập dịch, cứu chữa cho các bệnh nhân nhanh chóng đạt được những kết quả khả quan như thời gian qua…

Các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế hội chẩn liên tục nhưng bệnh nhân vẫn tử vong. "Mỗi khi nhận thông tin ca tử vong, lòng tôi như xát muối. Chúng tôi không muốn điều đó và đã nỗ lực hết sức nhưng nó vẫn xảy ra”, Thứ trưởng nói. 

Trong số 406 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 16 bệnh nhân tiên lượng nặng, gồm 12 trường hợp rất nặng và bốn trường hợp tiên lượng tử vong.

Với những bệnh nhân nặng còn lại đang điều trị Huế, Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngành y tế sẽ tập trung mọi nguồn lực, cố gắng làm sao thực hiện những biện pháp tốt nhất để cứu những bệnh nhân này. 

Ở giai đoạn 3 này, trong cuộc chạy đua xét nghiệm để truy vết những ca nghi nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam cũng đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết, trong vòng một tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4. Số lượng xét nghiệm trong gần một tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong sáu tháng của giai đoạn đầu.

PGS, TS Trần Minh Điển đánh giá, Việt Nam đã có những kế thừa và khác biệt trong công cuộc phòng, chống Covid-19.

Sự kế thừa đó là hệ thống y tế công cộng của Việt Nam triển khai truy vết rất tốt và với việc thành lập các tổ giám sát cộng đồng, thành lập bản đồ lây nhiễm, truy vết tất cả các F liên quan đến F1 đã giúp việc khoanh vùng, kiểm soát nguồn lây tốt hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng kế thừa được kinh nghiệm điều trị các ca bệnh nặng, điển hình là từ việc cứu chữa thành công cho BN91 – nam phi công người Anh. Thành công này giúp chúng ta chủ động hơn trước nhiều ca bệnh nặng, có những diễn biến phức tạp. 

Một điểm mới trong cuộc chống Covid-19 lần này là chúng ta nâng cao thêm một bước công tác phòng, chống dịch tại bệnh viện. Bệnh viện E khi xuất  hiện ca nghi nhiễm ngay lập tức đóng cửa để bàn các biện pháp phòng, chống dịch.

“Các bệnh viện cần phải nâng cao nhận thức rõ, khi phát hiện ca Covid-19 tại bệnh viện là thất bại trong chiến lược. Tuy nhiên, để kiểm soát điều này rất khó. Nhưng chúng ta xác định được nguy cơ bao nhiêu thì chúng ta sẽ cố gắng kiểm soát được tốt bấy nhiêu với sàng lọc, cách ly, phòng ngừa tốt nhất”, PGS Trần Minh Điển cho hay.

Một tháng dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam: Vượt qua thách thức -0

Đến nay, sau đúng một tháng bùng phát dịch Covid-19 trở lại, tình hình dịch bệnh tại các tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương… đã cơ bản được kiểm soát.

Đánh giá về chiến lược thành công của Việt Nam, PGS, TS Trần Minh Điển cho biết, Chính phủ luôn nhận thức dịch không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân mà còn sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và mọi hoạt động khác của xã hội.

Tròn một tháng bùng dịch giai đoạn 3: 680 ca mắc, 27 ca tử vong -0
 PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

Vì thế, Chính phủ đã có những Chỉ thị quyết liệt, rõ ràng, ngành y tế cũng đã có những hành động quyết liệt, thực chất. Đặc biệt, hệ thống y tế công cộng rất vất vả suốt hơn nửa năm qua để kiểm soát được ca bệnh. Nếu họ không làm việc thực chất, để ca lây ra cộng đồng thì hệ điều trị rất khó khăn. Trong điều kiện nguồn lực có hạn về bệnh viện, trang thiết bị máy móc của Việt Nam, nếu để bùng phát dịch chúng ta sẽ không chống đỡ được.

Thế giới đánh giá chiến lược của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống dịch rất tốt, bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, vừa bảo đảm được việc phát triển kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Hiện nay chúng ta đang truy vết khá tốt tại những khu vực cảnh báo sớm. Thí dụ tại Hải Dương, chúng ta đã kiểm soát được những ca F1, F2, F3. Tại đây, chiến lược của chúng ta đang đúng đắn. 

Tuy nhiên, một số khu vực khác như tại Đà Nẵng vẫn còn nguy cơ khi phát hiện có ba người tiểu thương ở chợ, tiếp xúc nhiều người, lo ngại không truy vết hết được F1. Nếu F1 không có ý thức rất khó khăn. Do vậy, việc kêu gọi liên quan đến sự tuân thủ của người dân rất quan trọng. 

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nếu tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, nhất là được siết lại trong thời gian gần đây, thì chúng ta có lòng tin sẽ không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Không chỉ riêng thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương mà hệ thống chống dịch, nòng cốt là lực lượng y tế, công an ở tất cả các địa phương đã được khởi động trở lại rất nghiêm túc, tinh thần luôn sẵn sàng chống dịch phải được duy trì liên tục, không để lơi lỏng sau một thời gian.

Tròn một tháng bùng dịch giai đoạn 3: 680 ca mắc, 27 ca tử vong -0
 Việt Nam đã cán mốc một triệu xét nghiệm rRT-PCR.

Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống máy móc, dự án nghiên cứu sản xuất sinh phẩm; tiếp tục thúc đẩy để chủ động mức cao nhất việc xét nghiệm Covid-19 trên tinh thần tiết kiệm.

Bộ Y tế có phương án để các địa phương cùng phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm, chi viện lẫn nhau nhằm tiết kiệm nguồn lực chung của toàn xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trên toàn thế giới; đồng thời cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy các dự án nghiên cứu vaccine ở Việt Nam để sớm có vaccine chống Covid-19 an toàn.

Qua đợt chống dịch, Bộ Y tế sẽ tổng hợp kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 để tổ chức tập huấn cho các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành “Sổ tay hướng dẫn chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh”. Đặc biệt, Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành “Sổ tay phòng, chống dịch trong trường học”.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 21-8.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các ngành y tế, quân đội, công an, các đoàn thể, cấp ủy và chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương có dịch và lực lượng cán bộ, nhân viên y tế đã nỗ lực, cố gắng thực hiện quyết liệt, bài bản, kịp thời các giải pháp phù hợp, trong đó có nhiều giải pháp mới, sáng tạo và đạt thành công bước đầu, kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động, kể cả tại các địa bàn có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng như TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Hải Dương và các thành phố lớn. Năng lực ứng phó với dịch bệnh được nâng lên rõ rệt.

Về phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhất là trong hệ thống y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện; tiếp tục chung sống, chiến đấu trường kỳ với dịch bệnh. Phải phát huy các kinh nghiệm quý như thần tốc chỉ đạo, truy vết và xét nghiệm nhanh trên diện rộng; truyền thông sâu rộng, minh bạch, kịp thời; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân.

Duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong mọi ngành, lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới ở mức cần thiết, không để đình trệ, đứt gãy. Các cơ sở sản xuất phải có phương án tổ chức sản xuất phù hợp, phòng dịch chặt chẽ, không để ngưng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tập trung phòng, chống dịch Covid-19