Một ngày trên vịnh Mân Quang

NDO -

Hơn 20 năm mưu sinh bằng nghề nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), nhiều hộ dân đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, “tiến thoái lưỡng nan” vì sau nhiều văn bản được ban hành, chính quyền địa phương đã tiến hành tháo dỡ và buộc tháo dỡ toàn bộ số lồng bè này…

Hiện tại, một số lượng lớn hải sản của người dân đang nuôi thả, không thể xuất bán vì hàng quán đóng băng do dịch Covid-19.
Hiện tại, một số lượng lớn hải sản của người dân đang nuôi thả, không thể xuất bán vì hàng quán đóng băng do dịch Covid-19.

Đầu tư lớn, nợ chất chồng

Đã nhiều năm gắn bó, mưu sinh với nghề nuôi cá, hải sản ở vịnh Mân Quang, nhiều gia đình sinh sống tại khu vực các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ,… đang chồng chất khó khăn. Thời gian 10 ngày cho việc di dời các lồng bè đã và đang quá sức chịu đựng vời bà con ngư dân. Nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được chính quyền gửi về. Thực tế tại các lồng bè, ngư dân đang vay mượn số vốn lớn để đầu tư đứng trước bờ phá sản khi nhiều lứa cá vừa thả bè còn nhỏ, hàu đến thời gian thu hoạch không ai mua.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khó khăn lại thêm khó khăn khi nhiều gia đình vay mượn cả trăm triệu, có nhà đầu tư từ 800 triệu đến hơn một tỷ cho các lồng bè cá cá dìa, cá sủ, cá bớp… Mấy năm qua, mưa bão khắc nghiệt khiến cá và hải sản của ngư dân nuôi trồng bị thiệt hại nặng nề. Đến khi chưa kịp ổn định trở lại thì dịch bệnh ảnh hưởng.

Một ngày trên vịnh Mân Quang -0
  Nhiều hộ nuôi cá lồng bè đầu tư kinh phí lớn, khi được yêu cầu di dời, tháo dỡ, đã kéo các lồng bè ra phía cửa vịnh Mân Quang.

Chiếc ghe nhỏ của anh Hoàng, một chủ lồng cá trên vịnh Mân Quang đưa chúng tôi cập bè cá ông Đặng Thành Long (trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) giữa trưa bong nắng. Thấy khách lạ, ông Long vẫn ngồi như tượng, mắt thất thần nhìn vào giấy quyết định xử phạt hành chính vừa nhận được từ phường. Quá trưa, đến giờ cho cá ăn, ông Long vẫn không buồn đứng dậy. Cả đời bám mặt nước để mưu sinh, chưa khi nào ông Long bế tắc như lúc này.

Trưa tháng 7 nắng như đổ lửa, nhóm thợ bạn ngư dân của ông Đặng Thành Long vẫn cố gắng gỡ hết số hàu đang vào mùa thu hoạch tập trung vào một góc để bán, nhưng lượng người mua không có do dịch Covid-19 hoành hành, tất cả hàng quán đều nghỉ. Hơn 10 tấn hàu chưa biết phải làm sao, ông nói như khóc: “Chưa khi nào cuộc sống khó khăn như lúc này, dịch bệnh ảnh hưởng quá lớn, khó khăn chất chồng khó khăn. Biết là chính quyền cấm không cho nuôi cá lồng bè khu vực này, nhưng nhà tôi mấy đời ngư dân bám biển, mưu sinh. Giờ chỉ xin thành phố gia hạn thời gian thêm vài tháng để số cá lồng vừa thả bè lớn đủ thời gian xuất bán, trả nợ ngân hàng, xong rồi nhà sẽ tự tháo dỡ”.

Một ngày trên vịnh Mân Quang -0
 Ngư dân Huỳnh Cu đại diện nhiều hộ dân gửi đơn cầu cứu các ngành chức năng. 

Khu vực thả lồng cá của ông ông Huỳnh Cu, trú tổ 92 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, cách bờ khoảng 3 hải lý, gần khu vực cửa biển Đà Nẵng. Có mặt tại lồng bè nhà ông Cu khi xế chiều, đúng lúc ông đang cầm trên tay xấp đơn dày với một loạt văn bản phúc đáp mà các cơ quan chức năng gửi xuống, ông nói rằng, không biết cầu cứu ai và không biết rồi cả gia đình sẽ sống ra sao. Gần 25 năm qua, cả gia đình ông bám trụ nghề này.

“Lồng bè này là nguồn sinh kế duy nhất của cả gia đình. Suốt một đời bám biển, trình độ học vấn thấp, không làm nghề gì hết, chỉ biết nuôi cá thôi, nương nhờ biển khơi. Để duy trì nguồn sinh kế duy nhất này, gia đình đã vay mượn và đầu tư hết 800 triệu, đã thả xuống hơn 10 tấn cá, tôm. Tôi gần 50 tuổi, lên bờ giờ có xin được việc gì làm đâu. Thủy sản cá tôm đang đầu tư cả tỷ bạc, giờ dân gặp khó, bán chưa được, xin chính quyền các cấp cho người dân nuôi đến hết năm thu hoạch xong cá, quy hoạch vùng nuôi trồng phù hợp để bà con tiếp tục được nuôi cá lồng bè hợp pháp, mưu sinh kiếm sống” - ông Huỳnh Cu cầu cứu.

Một ngày trên vịnh Mân Quang -0
 Khu vực lồng bè đầu tư tiền tỷ của ngư dân Huỳnh Bá Nam.

Còn hộ ông Huỳnh Bá Nam (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hơn 20 năm nuôi cá lồng bè trên vịnh này, kinh tế gia đình ổn định, tạo công ăn việc làm cho bốn lao động, nuôi các con ăn học đại học. Khi ghe chúng tôi cập bè, ông trải lòng: “Giờ mà buộc lên bờ thì không biết lên bờ làm nghề chi để sống. Quen với mưu sinh trên vịnh mấy chục năm, chỉ mong nhà nước quy hoạch vùng nuôi, phát triển kinh tế, giờ vay mượn đổ giống xuống rồi ăn không ngon ngủ không yên. Đà Nẵng là thành phố du lịch, tính ra tỷ lệ nuôi cá lồng bè cũng cung ứng được 20-30 % cho ngành du lịch Đà Nẵng chứ không ít. Chủ trương phát triển du lịch mà không quy hoạch nuôi thủy hải sản phục vụ ngành du lịch thì thật khó. Giờ nhà nước lấy lại khu vực nước này để bàn giao cho dự án, nhưng còn cuộc sống của người dân, chúng tôi không được ai hỗ trợ, tự lực cánh sinh. Người dân chúng tôi nhận nhiều văn bản của các cấp mà chồng chéo quá, không biết đường nào để lần cả”.

Một ngày trên vịnh Mân Quang -0
 Mỗi ngày ngư dân mua thức ăn cho cá khoảng hai triệu đồng. 

Người dân ở đây biết việc nuôi trồng là trái phép, giờ nhà nước lấy lại mặt nước trên vịnh thì họ phải chấp hành. Nhưng giờ khó quá chỉ mong chính quyền địa phương cho họ nuôi hết đợt thủy hải sản này. Tầm khoảng bốn tháng, khi đó, số hải sản, cá này sẽ bán hết và họ sẽ tự thu dọn tất cả các lồng bè. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến ngành du lịch Đà Nẵng bị đóng băng, hàng quán đóng cửa không thu mua cá, hải sản. Khó khăn chồng chất khó khăn, người dân vừa tự xoay xở kinh phí trả lãi ngân hàng, vừa lo làm sao để toàn bộ vốn liếng của cả gia đình đã đầu tư xuống bè cá được vớt vát phần nào để tiếp tục tìm cách mưu sinh, duy trì cuộc sống.

Cần quy hoạch vùng nuôi và hỗ trợ sinh kế cho dân

Năm 1996, việc nuôi cá lồng bè khu vực vịnh Mân Quang, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà được hình thành. Lúc đầu chỉ có vài hộ nuôi nghêu, nhưng đến đầu năm 2010, việc nuôi trồng thủy sản trên lồng bè phát triển tại nhiều nơi nên các hộ dân ở đây bắt đầu đầu tư nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ dân đã gắn bó cả đời với việc nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang kể rằng, từ những năm 1995, 1996, khu vực vịnh này bắt đầu có những hộ đầu tiên tự tìm tòi, học hỏi rồi nuôi thủy hải sản. Do đây là khu vực nước dừng, gần bờ, thuận tiện cho ngư dân mưu sinh nên dần dà thành nghề chính nuôi sống cả gia đình, chăm lo cho con cái học hành, biết chữ, thoát nghèo. Khu vực này không được cắm mốc ranh giới, cũng không được cấp phép nuôi cá lồng bè, nhưng vì mưu sinh nên người dân vẫn bám trụ.

Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, tại vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà) hiện có 484 lồng bè, 110 rò nghêu, 106 chòi canh, nhà tạm của 234 hộ nuôi trồng thủy sản các loại, chủ yếu là các loại như: cá, hàu, vẹm, nghêu, bợp bợp… Trong đó, chủ yếu là người dân phường Thọ Quang có 128 hộ nuôi; phường Nại Hiên Đông có 109 hộ, hơn 200 khẩu là người dân địa phương mưu sinh bằng việc nuôi cá lồng bè.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt việc nuôi cá bằng lồng, bè trên các sông và vịnh Mân Quang để  bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị. Các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang đều nhiều lần mời các hộ dân nuôi thủy sản trái phép gặp mặt, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép tự tháo dỡ lồng bè. Ký cam kết không được thả con giống mới, không sửa chữa, làm mới và sang nhượng lồng bè. Khu vực quanh vịnh Mân Quang cũng đã được quy hoạch đầu tư dự án khu đô thị sinh thái sầm uất và tầm cỡ. Đầu năm 2021, thành phố đã có văn bản yêu cầu các địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng nuôi cá lồng, bè này. 

Một ngày trên vịnh Mân Quang -0
  Khu vực này đã được quy hoạch khu đô thị sinh thái.

Hai tuần qua, chính quyền địa phương đã ra quân cưỡng chế, tháo gỡ, xóa, dẹp hết tất cả các lồng bè đang hoạt động tại vịnh Mân Quang ở khu vực gần bờ. Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà đã ban hành 25 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 625 triệu đồng (theo quy định tại khoản 3 điều 17 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản). Nhưng hầu hết các hộ dân này là hộ nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn, rất cần sự hỗ trợ.

Bài toán sinh kế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân đang nuôi cá lồng bè đang đặt ra nhiều thách thức cho địa phương. Vấn đề sau khi cấm người dân nuôi cá lồng bè trên vịnh này, thì hiện nay thành phố chưa có phương án nào để hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho số hộ nêu trên để bảo đảm an sinh xã hội cũng như chưa có đề án nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để giải quyết sinh kế cho ngư dân và phát triển kinh tế biển.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Nhân Dân, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã có đề án đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng tập trung thu hút các đối tượng đầu tư theo hướng công nghệ cao, quy mô đầu tư lớn. Diện tích vùng quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên biển dự kiến khoảng 20 ha, độ sâu tối thiểu là 20m, nằm ngoài khu vực khai thác hợp lý theo Quyết định số 54/2009/QĐ-UBND. Quy mô tối đa để nuôi hải sản cho vùng này là 100 lồng tròn kiểu Na Uy với thể tích 500 m3/lồng hoặc 20 lồng nuôi thể tích 2.400 m3/lồng; tổng thể tích lồng dao động từ 48.000-50.000 m3”. Nhưng khi nghe đến các đề xuất này từ sở chuyên môn, người dân ở đây chỉ còn có cách đứng nhìn vì nó quá xa vời và không có khả năng tiếp cận.

Khi nhận được ý kiến cầu cứu của những hộ nuôi cá lồng bè tại vịnh Mân Quang, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà và nhận được thông tin: Về mặt quản lý nhà nước, việc quyết liệt tháo dỡ toàn bộ số lồng bè trên vịnh Mân Quang lại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận trong năm 2021. Luật bất thành văn khi việc nuôi cá lồng bè và hải sản của ngư dân đều tự phát, trái phép nên buộc phải tháo dỡ toàn bộ, không được hỗ trợ bất cứ nguồn kinh phí nào và hiện chính quyền địa phương vẫn bỏ trống việc chuyển đổi ngành nghề, quy hoạch vùng nuôi phù hợp để người dân có thể tiếp tục mưu sinh.

Những năm qua, Đà Nẵng duy trì và thực hiện rất tốt các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, qua đó, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị và bảo đảm chính sách an sinh xã hội của thành phố. Nhưng một ngày ở trên vịnh Mân Quang, nghe những lời tâm sự tận đáy lòng của rất nhiều ngư dân đã và đang bám lấy nguồn sinh kế duy nhất này, mọi sự cố gắng trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.