Mong muốn lan tỏa rộng rãi phương thức quản lý mới và nhân văn

NDO - TS Vũ Anh Đào là người mang tư duy quản lý mở và doanh nghiệp linh hoạt giúp nhiều tổ chức lớn nhỏ ở Việt Nam chuyển đổi từ những cách làm việc và quản lý truyền thống sang những cách thức tiên tiến. Bà đã sáng lập, lãnh đạo của Business Agility Vietnam (Doanh nghiệp linh hoạt Việt Nam) và Câu lạc bộ Các nhà quản lý linh hoạt với gần 10 nghìn thành viên.
0:00 / 0:00
0:00
TS Vũ Anh Đào trong một buổi chia sẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
TS Vũ Anh Đào trong một buổi chia sẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.

Nhân dịp chuyến thăm chính thức New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, phóng viên Báo Nhân Dân tháp tùng Đoàn đã có cuộc phỏng vấn TS Vũ Anh Đào về câu chuyện mô hình quản lý mới cũng như những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.

Xu thế mới thay đổi tư duy

Phóng viên: Xin bà có thể chia sẻ sự khác biệt giữa phương thức quản lý truyền thống với phương thức quản lý mở hay quản lý linh hoạt mà bà đang giúp nhiều doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới triển khai?

TS Vũ Anh Đào: Trước đây chúng tôi dùng thuật ngữ Quản lý linh hoạt để nói về những tư duy quản lý và các phương thức làm việc mới. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy Quản lý linh hoạt không bao trùm hết được ý nghĩa mình muốn truyền tải nên chúng tôi đã thay thế bằng thuật ngữ “Quản lý Mở” (Open Management).

Quản lý Mở là một tư duy, không phải là một phương pháp, nó bao gồm “Quản lý linh hoạt” (Agile Management) và nhiều kiến thức khác như “Tinh gọn” (Lean), Tư duy hệ thống, Hệ thống rắc rối, Lãnh đạo mở, Quản lý mở, Tính nhân văn… Quản lý Mở giúp con người và các tổ chức trở nên linh hoạt.

TS Vũ Anh Đào

Sự khác biệt lớn nhất là quản lý mở tập trung vào yếu tố con người trong khi các phương thức quản lý truyền thống chú trọng vào quản lý năng suất và hiệu suất mà không lấy yếu tố con người làm trọng tâm. Trong quản lý mở, các nhà quản lý luôn tìm cách phát triển con người, làm cho nhân viên của mình hạnh phúc hơn, để họ phát huy tối đa khả năng của mình và từ đó hiệu suất sẽ đến như một kết quả chứ không phải là mục đích.

Thực tế trên thế giới đang chứng minh những tổ chức có hiệu quả hoạt động cao nhất là những tổ chức nhân văn nhất. Chúng ta đang sống trong một thế giới liên tục thay đổi, để có thể tồn tại và phát triển, chúng ta thực sự cần phải linh hoạt - nghĩa là có khả năng thay đổi thật nhanh theo sự thay đổi của thị trường, của xã hội. Điều này đòi hỏi cả một hệ thống phải linh hoạt với những con người linh hoạt, có khả năng ứng biến.

Mong muốn lan tỏa rộng rãi phương thức quản lý mới và nhân văn ảnh 1
TS Vũ Anh Đào cùng chồng, Rob England, thuyết trình tại Hội nghị Agile Quốc gia New Zealand 2019.

Linh hoạt và thích ứng trong quản lý, quản trị

Phóng viên: Vì sao tư duy quản lý mở là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai?

TS Vũ Anh Đào: Thế giới đang thay đổi rất nhanh với những biến động khôn lường cho thấy chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải linh hoạt. Việc lập kế hoạch dài hạn theo kiểu truyền thống đang cho thấy sự lãng phí về nguồn lực, những kế hoạch này được lập ra nhưng không thể triển khai được khi tình thế đã thay đổi.

Chúng ta luôn cần có tầm nhìn dài hạn nhưng kế hoạch cần ngắn hạn vì khả năng ứng phó, thích ứng và thay đổi thật nhanh mới là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển trong một thế giới luôn luôn biến động.

Khi các tổ chức tìm cách trở nên kiên cường hơn, linh hoạt hơn, thích nghi, đổi mới, lấy khách hàng làm trung tâm… thì việc đối xử tử tế với con người, để họ muốn làm tốt nhất công việc của mình, mang lại giá trị cao nhất cho tổ chức là điều cần thiết.

Nhiều nhà lãnh đạo đang tìm cách tạo ra sự thay đổi này trong tổ chức của họ và tìm cách thiết lập các hệ thống để biến điều này thành hiện thực.

Phóng viên: Những kết quả ứng dụng và phổ biến tư duy này ở New Zealand cũng như các nước khác?

TS Vũ Anh Đào: Trong thực tế tư vấn quản lý theo phương thức mới, Teal Unicorn đã làm việc với nhiều tổ chức mà mọi người vẫn cho rằng không bao giờ có thể linh hoạt được, thí dụ như quân đội hay cảnh sát. Chúng tôi đã tư vấn và đào tạo giúp các Bộ Phát triển Xã hội, Bộ Các ngành công nghiệp chính, Bộ Thuế, Lực lượng Phòng vệ New Zealand và nhiều cơ quan khác của New Zealand thay đổi tư duy quản lý để chuyển đổi từ tổ chức truyền thống chỉ huy và ra lệnh sang tổ chức linh hoạt, có khả năng thích ứng nhanh so với sự thay đổi của thực tế xã hội.

“Bạn thử hình dung về hậu quả của mệnh lệnh từ một vị tướng chỉ huy đánh trận nhưng không thấu hiểu trận địa bằng những người lính thực chiến trên chiến trường; cho nên việc rèn luyện cho quân lính thật tinh nhuệ và trao cho họ quyền quyết định trên thực địa chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt hơn”...

TS Vũ Anh Đào

Ở New Zealand, một chính sách thường được xây dựng dựa trên rất nhiều nghiên cứu thực tế và đưa vào áp dụng trong phạm vi nhỏ nhất để quan sát những tác động, ảnh hưởng của chính sách đó lên xã hội như thế nào; từ đó có những điều chỉnh linh hoạt và cải tiến liên tục cho phù hợp hoàn cảnh thực tế.

Đến khi chính sách đó được đưa vào triển khai trên diện rộng thì nó đã là một phiên bản tốt nhất có thể; tuy nhiên, những điều chỉnh, thay đổi cần thiết vẫn tiếp tục được diễn ra rất nhanh.

Mong muốn lan tỏa rộng rãi phương thức quản lý mới và nhân văn ảnh 2

TS Vũ Anh Đào thuyết trình tại Devops Enterprise Summit Las Vegas 2018, hội nghị lớn nhất thế giới về cách làm việc và quản lý mới trong ngành công nghệ thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm, tri thức tại quê hương

Phóng viên: Đang rất thành công với công việc tư vấn cho các tổ chức và chính phủ tại New Zealand, Australia, Anh, Mỹ, Singapore… vì sao bà quyết định giúp các doanh nghiệp Việt Nam?

TS Vũ Anh Đào: Năm 2018, tôi về Việt Nam để giúp một người bạn là lãnh đạo của một tổng công ty với tâm nguyện để lại một di sản tốt cho thế hệ lãnh đạo kế cận bằng việc thay đổi phương thức quản lý cho tổ chức.

Sau khoảng 5 tháng, tổ chức với hơn 12 nghìn người đã có những thay đổi chưa từng thấy về tư duy, cách làm việc cũng như kết quả về kinh tế và văn hóa. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, các nút thắt lớn trong hệ thống được khai thông, mọi người được tin tưởng hơn, trao quyền nhiều hơn, phối hợp làm việc nhịp nhàng hơn, giảm lãng phí hơn…

Những thay đổi đó đã khiến những con người làm việc trong tổ chức đó hạnh phúc hơn rất nhiều. Chính điều này đã thôi thúc tôi chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam những gì tôi đã làm cho các doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới.

Khi lắng nghe những chia sẻ của tôi, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp muốn tôi giúp họ làm được những điều tương tự và vì thế tôi ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp tại quê hương của mình.

Mục đích của chúng tôi là giúp cho hệ thống quản lý trong các tổ chức tốt hơn, từ đó tạo ra kết quả tốt hơn, cuộc sống của những người làm việc trong đó tốt hơn và xã hội từ đó sẽ tốt đẹp hơn.

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về khả năng triển khai tư duy quản lý này ở Việt Nam và điều kiện để triển khai thành công?

TS Vũ Anh Đào: Là Tiến sĩ chuyên ngành về chính sách công, tôi khẳng định phương thức quản lý mở có thể áp dụng cho tất cả các bộ, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp, trường học… ở Việt Nam.

Việc theo đuổi chính sách ngoại giao vaccine là một bằng chứng cho thấy Quốc hội, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng tư duy mở. Khi đại dịch xảy ra, chúng ta đã linh hoạt ứng phó, thay đổi kịp thời trong chính sách đối ngoại để bảo đảm nguồn cung vaccine cho người dân, vươn lên là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất thế giới.

TS Vũ Anh Đào

Tôi rất ấn tượng với việc các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó cả Thủ tướng đi gặp các chủ tịch xã để nắm tình hình địa phương. Khi lãnh đạo đi đến tận nơi lắng nghe, quan sát để biết chuyện gì đang xảy ra để hiểu thực tế và ứng phó cho phù hợp thay vì chờ cấp dưới báo cáo mình.

Điều then chốt để triển khai quản lý mở là thay đổi tư duy. Không có công nghệ hay phương pháp nào có thể giúp chúng ta thành công nếu chúng ta không có tư duy đúng đắn. Cho dù là gia đình, tổ chức hay một đất nước thì phương thức vận hành và nguyên tắc ứng dụng giống nhau, chỉ khác về quy mô mà thôi.

Ngoài ra, việc lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, giới chuyên môn và các chuyên gia tư vấn sẽ giúp các nhà quản lý hiểu rõ tình hình thực tế và có những ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Mong muốn lan tỏa rộng rãi phương thức quản lý mới và nhân văn ảnh 3

Buổi đào tạo về quản lý linh hoạt cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Phóng viên: Quá trình tư vấn triển khai Quản lý Mở tại Việt Nam, bà có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa bà?

TS Vũ Anh Đào: Thực tế cho thấy chúng ta có sự khác biệt lớn về sự bền bỉ; chúng ta có khả năng thích ứng, thay đổi rất nhanh nhưng để nắm vững, hiểu sâu và phát triển bền vững thì chúng ta vẫn cần cải thiện rất nhiều.

Một điều hết sức thú vị là mặc dù các nước phương tây tuy có trình độ quản lý cao hơn Việt Nam nhưng khi chúng tôi giúp các tổ chức áp dụng quản lý mở tại Việt Nam, kết quả rõ rệt hơn và cao hơn rất nhiều so các nước phương Tây. Khả năng học hỏi và tiếp thu cái mới của người Việt Nam không hề thua kém bạn bè quốc tế.

TS Vũ Anh Đào

Cụ thể hơn là khi một tình huống khó xảy ra, chúng ta còn lúng túng trong việc đào sâu tư duy, tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, có giải pháp phù hợp và có khả năng đi đường xa. Tất cả những điều này đòi hỏi một quá trình rèn luyện bền bỉ, thường xuyên, cải tiến và đổi mới liên tục. Hãy cứ thử, chấp nhận phép thử một số sai sót và liên tục cải tiến chúng ta sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn và hạnh phúc hơn!

Xin trân trọng cảm ơn TS Vũ Anh Đào!

TS Vũ Anh Đào (Dr Cherry Vu), CEO của công ty tư vấn toàn cầu Teal Unicorn, Two Hills có trụ sở chính tại New Zealand; Nhà sáng lập và Chủ tịch của Open Management Academy (Học viện Quản lý Mở) đào tạo cho lãnh đạo và các nhà quản lý trên toàn thế giới.

TS Vũ Anh Đào được tôn vinh là người tiên phong trong lĩnh vực quản lý mở và quản lý linh hoạt, được vinh danh một trong 100 người phụ nữ trên thế giới có đóng góp lớn trong lĩnh vực Lean & Agile (Quản lý Linh hoạt và Tinh gọn). Bà cũng là diễn giả quen thuộc trong các hội nghị quốc tế; đồng tác giả của những cuốn sách nổi tiếng về tư duy quản lý mới: “Nhà Quản lý linh hoạt” và “Quản lý mở”.