Thay đổi phương thức quản lý tài chính doanh nghiệp

Trong chương trình kỳ họp thứ 3, QH khóa XV, ngày 16/6, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế của QH,  Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được biểu quyết thông qua với 94,18% số đại biểu QH tán thành. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này được đánh giá là sẽ tạo ra những thay đổi mang tính căn bản và toàn diện cho phát triển thị trường bảo hiểm. Phóng viên (PV) Thời Nay có cuộc trao đổi ý kiến với Cục trưởng Quản lý, giám sát bảo hiểm Ngô Việt Trung chung quanh vấn đề này. 

Quy định mới về kinh doanh bảo hiểm được xem là có lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Quy định mới về kinh doanh bảo hiểm được xem là có lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Thay đổi phương thức quản lý tài chính doanh nghiệp -0

PV: Thưa ông, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này đã được QH xem xét và chỉnh sửa kỹ lưỡng, và có những thay đổi cơ bản nào đáng lưu tâm nhất, thưa ông?

Cục trưởng Ngô Việt Trung: Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong nhóm các chính sách lớn của Luật lần này, việc thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là quan trọng nhất. Các quy định của Luật đã cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Thứ hai là Luật đã khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận tiện và thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Bên cạnh đó, Luật cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Về bản chất là thay đổi phương thức quản lý theo hướng từ tiền kiểm thành hậu kiểm giúp doanh nghiệp linh hoạt và chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh, nhưng bên cạnh đó cũng quy định các biện pháp giúp minh bạch hóa thông tin, các biện pháp cảnh báo sớm từ phía cơ quan quản lý để doanh nghiệp nhận biết và có biện pháp quản trị, kiểm soát rủi ro tốt hơn.

PV: Với việc sửa được tính cào bằng, từ đó, kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro, quy định lần này có lẽ là rất quan trọng, tạo thêm niềm tin của khách hàng tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, song song với đó có lẽ sẽ là áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp. Theo ông, DNBH đã chuẩn bị bước đi như thế nào để đáp ứng thay đổi này và  dự báo khả năng  đáp ứng của doanh nghiệp với yêu cầu vốn theo quy định mới?

Cục trưởng Ngô Việt Trung: Quy định về quản lý vốn chủ sở hữu và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 được xây dựng dựa trên các kinh nghiệm của châu Âu cách đây đã hơn 30 năm, được xác định theo tuyệt đối và áp dụng đồng bộ, cào bằng với tất cả các DNBH. 

Các quy định hiện hành về vốn pháp định của Việt Nam là khá thận trọng, ở mức cao so với thông lệ quốc tế. Việc quy định mức vốn tối thiểu cố định thường chỉ phù hợp khi DNBH mới bắt đầu hoạt động. Mức vốn này có thể là cao đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, kinh doanh các sản phẩm đơn giản, rủi ro thấp, gây ứ đọng vốn cho doanh nghiệp nhưng lại có thể là thấp đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, kinh doanh các sản phẩm phức tạp, rủi ro cao, gây thiếu vốn và ảnh hưởng khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Người tham gia bảo hiểm thì có thể phải chịu rủi ro khi các DNBH phá sản mà không có tài sản tương ứng để trả các trách nhiệm bảo hiểm đã cam kết. 

Hoạt động kinh doanh của DNBH ngày càng chịu tác động của nhiều yếu tố và rủi ro hỗn hợp của nhiều lĩnh vực như biến động thị trường tài chính, thị trường đầu tư, công nghệ, môi trường. Do đó, để nâng cao giám sát an toàn tài chính DNBH, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm trong 10-20 năm tới, hướng tới chuẩn mực quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đề xuất chuyển đổi mô hình quản lý, giám sát từ mô hình theo khả năng thanh toán sang mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro không chỉ căn cứ vào vốn chủ sở hữu mà còn cả các rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh của DNBH. Việc triển khai mô hình mới đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về quản trị rủi ro, minh bạch thông tin, giúp nâng cao năng lực và khả năng phòng ngừa, kiểm soát rủi ro của DNBH, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. 

PV: Ông có thể nói rõ hơn về điểm căn bản này?

Cục trưởng Ngô Việt Trung: Có thể thấy rõ, về phía doanh nghiệp, DNBH chủ động hơn trong quản trị kinh doanh. Theo đó, căn cứ vào diễn biến hoạt động kinh doanh của mình, doanh nghiệp tự tính toán, xác định số vốn tối thiểu phải có tương ứng với rủi ro của doanh nghiệp, từ đó kịp thời bổ sung nguồn tài chính thiếu hụt. 

Về phía cơ quan quản lý, việc phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro, đánh giá toàn diện rủi ro của từng doanh nghiệp và cả thị trường bảo hiểm, giúp cơ quan quản lý kịp thời đưa ra các biện pháp quản lý, giám sát thị trường và bảo đảm khả năng tài chính của doanh nghiệp. Còn về phía thị trường, do yêu cầu minh bạch hóa thông tin, tăng cường chế độ báo cáo của doanh nghiệp gắn liền với mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, khách hàng có nhìn nhận rõ nét hơn về từng doanh nghiệp để quyết định tham gia bảo hiểm phù hợp.

Như vậy, việc chuyển đổi sang mô hình quản lý giám sát vốn trên cơ sở rủi ro là phù hợp điều kiện thị trường và xu thế chung của thế giới, góp phần nâng cao công tác quản lý, giám sát DNBH, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần thiết phải có lộ trình và cách thức triển khai thích hợp, có khung khổ pháp lý để thực hiện, đòi hỏi cần có sự nỗ lực tham gia của cả cơ quan quản lý, DNBH. Luật dự kiến cho phép thị trường có 5 năm để chuẩn bị và chính thức áp dụng (trong đó có hai năm thực hiện song song hai mô hình cũ và mới). Đây là thời gian phù hợp dựa trên điều kiện thực tế của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm các nước trong khu vực châu Á.

PV: Ông có thể cho biết về việc hiện đại hóa thông tin của ngành bảo hiểm so với các ngành khác có gì khác biệt, thưa ông? 

Cục trưởng Ngô Việt Trung: Nhìn chung mức độ chuyển đổi số của các DNBH tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các DNBH toàn cầu nhưng vẫn còn hạn chế, việc chuyển đổi số mới chỉ có thể thực hiện chủ yếu ở cấp độ số hóa các quy trình kinh doanh. So sánh với các lĩnh vực khác trong ngành tài chính, việc đầu tư công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của thị trường bảo hiểm hiện nay.
 
Trong lĩnh vực ngân hàng, việc số hóa cũng diễn ra rất tích cực, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số. Hiện tại, doanh thu kênh bảo hiểm trực tuyến còn thấp (chưa tới 1% tổng doanh thu trong lĩnh vực nhân thọ và chưa tới 5% tổng doanh thu trong lĩnh vực phi nhân thọ).

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng; nguyên tắc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng. Đây dự kiến sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ DNBH thực hiện chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm. 

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!