Kỳ vọng lớn từ Hội nghị COP26

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và nhiều hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh (gọi chung là Hội nghị COP26), các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã đưa ra những cam kết quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng gia tăng.

Xây dựng kè đê biển ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) để chống sạt lở do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: THU THỦY
Xây dựng kè đê biển ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) để chống sạt lở do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: THU THỦY

Tại phiên họp Hội nghị Thượng đỉnh COP26 có 124 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước đã phát biểu và đưa ra cam kết mới cho ứng phó với BĐKH toàn cầu. Đáng chú ý, các quốc gia đều khẳng định BĐKH là thách thức khẩn cấp, loài người cần hành động ngay và mạnh mẽ trước khi quá muộn nhằm ứng phó với BĐKH, giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC và nắm bắt các cơ hội chuyển đổi sạch và bền vững. Nhiều quốc gia đã cam kết nhiều nội dung quan trọng: Về giảm phát thải khí nhà kính: 147 quốc gia chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và hơn 90% GDP toàn cầu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; 103 quốc gia (chiếm 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu) cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu 30% vào năm 2030 so với năm 2020; 141 quốc gia với hơn 90% diện tích rừng trên thế giới đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Về việc loại bỏ điện than, lần đầu tiên các bên tham gia cam kết cắt giảm sử dụng và trợ cấp than và nhiên liệu hóa thạch. Gần 50 quốc gia đã ký tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Các nền kinh tế lớn cam kết ngừng điện than trong thập kỷ 30, các nước còn lại sẽ ngừng điện than vào thập kỷ 40 của thế kỷ này. Đáng chú ý, có 25 quốc gia và các định chế tài chính tuyên bố ngừng hỗ trợ cho phát triển năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ cuối năm 2022 trở đi để hỗ trợ năng lượng sạch, một số quốc gia tuyên bố ngừng hoạt động khoan dầu khí mới. Tại hội nghị, có thêm 28 quốc gia đã tham gia Liên minh ngừng sử dụng điện than (PPCA) do Anh và Canada đồng khởi xướng, nâng tổng số quốc gia tham gia Liên minh này lên 48 nước.

Ngoài ra, Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26 và Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris cơ bản được hoàn tất, là cơ sở để các nước triển khai Thỏa thuận Paris trong nước, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp đầu tư cho ứng phó với BĐKH. Việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ; tăng cường năng lực sẽ được thực hiện thông qua các quy định chặt chẽ, minh bạch, thuận lợi cho giám sát, đánh giá quốc tế. Tại hội nghị, nhiều nền kinh tế lớn định chế tài chính đã đưa ra cam kết đóng góp tài chính mới sử dụng quỹ của họ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050… Hội nghị cũng hối thúc các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện giảm nhẹ phát thải và thích ứng với BĐKH, cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực; cần huy động tài chính khí hậu từ mọi nguồn để đủ đạt được các mục tiêu đề ra của Thỏa thuận Paris.

Tại COP26, Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp quan trọng của COP26 có liên quan đến quyền và lợi ích của Việt Nam như: Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH; sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu; sự kiện công bố Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; đồng thời có nhiều hoạt động song phương, đa phương nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nước, các đối tác trên thế giới. Đoàn đã tham gia đàm phán và dự các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ COP26.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng 124 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ tham gia và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH. Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Trong đó, có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050... Các cam kết mạnh mẽ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với BĐKH. Đáng mừng, các đối tác phát triển trong và ngoài nước cũng đã thể hiện mong muốn và cam kết hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết sau hội nghị. Việc cam kết đưa ra phát thải ròng về "0" và tham gia cam kết giảm phát thải mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông cơ hội tận dụng dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho sự phát triển ít phát thải vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các thủ tục phê duyệt các dự án đầu tư của Việt Nam vẫn còn kéo dài; nhiều nơi, nhiều lúc còn chậm có thể làm mất đi cơ hội thu hút ngay các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các dự án phát triển năng lượng tái tạo, phát thải các-bon thấp.

Trên cơ sở kết quả Hội nghị COP26 và kết quả tham gia của Đoàn Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thường trực Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng với những đề xuất cần thiết để triển khai kết quả Hội nghị COP26. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành những văn bản pháp lý quan trọng để hoàn thiện công cụ quản lý Nhà nước về BĐKH như: Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia để triển khai thực hiện. Đây là những văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu minh bạch quy định tại Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris. Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đối tác phát triển xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 về BĐKH. Hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với BĐKH; xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; thúc đẩy chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH.