Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình các bộ, ngành cho ý kiến, dự kiến đến năm 2030 tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh tăng hơn 4.581ha do đưa vào triển khai xây dựng các công trình dự án lấn biển.
Đột phá từ chủ trương
Kiên Giang nổi tiếng cả nước bằng câu chuyện “lấn biển xây thành phố”. Người Kiên Giang khi đến các tỉnh, thành phố trong nước đều được bạn bè thăm hỏi và ngợi khen về thành tích lấn biển xây dựng thành phố. Những người bạn ngoài tỉnh khi đến Kiên Giang đều mong muốn một lần được mục sở thị thành phố biển Rạch Giá.
Cách đây gần một năm, trung tuần tháng 8/2022, sau khi tham quan các công trình, dự án lấn biển tại thành phố Rạch Giá, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã nhận xét: Kiên Giang là một trong những tỉnh có sự phát triển đột phá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô kinh tế lớn, cơ cấu đa dạng, nhiều cách làm hay, điển hình là dự án lấn biển tạo không gian mới để phát triển sản xuất, các ngành kinh tế mà Kiên Giang có lợi thế.
Đồng chí Lê Đức Thọ cho biết, tỉnh Bến Tre đang xây dựng quy hoạch tổng thể năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều ý tưởng mới. Qua thực tế tại Kiên Giang giúp lãnh đạo tỉnh Bến Tre tiếp thu được những kinh nghiệm hay, giải pháp hữu ích, nhất là những kinh nghiệm từ việc thực hiện các dự án lấn biển để vận dụng phù hợp vào thực tiễn của địa phương.
Khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc thành phố Rạch Giá với diện tích hơn 99ha, trong đó diện tích lấn biển gần như hoàn toàn. (Ảnh: Việt Tiến) |
Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn là người quê gốc ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) nhưng có thời gian công tác gắn với quá trình phát triển thành phố Rạch Giá mà cụ thể là dự án khu đô thị lấn biển mở rộng thành phố.
Đồng chí Nguyễn Văn Hôn cho rằng, dự án lấn biển là một công trình được hình thành từ ý tưởng đột phá và quyết đoán của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc bấy giờ.
Kiên Giang với hành trình tiến ra biển
Trước năm 2000, hình thù của thành phố Rạch Giá như một con rắn - (đường Nguyễn Trung Trực hiện tại). Thành phố có chiều dài nhưng bị bó hẹp hướng ngang, phía tây giáp biển, phía đông giới hạn bởi kênh Ông Hiển. Muốn mở rộng thành phố về hướng đông, tỉnh cần một nguồn tiền rất lớn để bồi thường và tái định cư cho dân, trong khi nguồn lực lúc bấy giờ của Kiên Giang còn hạn chế.
Khi mở rộng thành phố về hướng tây là phía biển thì phải xây kè, lấp biển, nhưng đây là một công việc khó và chưa được thực hiện ở nước ta. Tuy nhiên, lúc đó nhiều kỹ sư giỏi của tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học được tỉnh mời về tham vấn đều khẳng định dự án sẽ thành công và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thực hiện.
Dự án lấn biển mở rộng thành phố Rạch Giá được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 1178/QĐ-TTg, ngày 30/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, dự án có 5 khu vực đầu tư tổng diện tích 420ha, trong đó diện tích lấn biển 360ha, diện tích cải tạo hiện trạng 60ha. Dự án được khởi công xây dựng từ đầu năm 1999, với chính sách ưu đãi khi mua đất nên đến năm 2003, dự án đã bán hết các khu đất.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hôn, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện dự án lấn biển, cùng với công tác quy hoạch, xây dựng, kêu gọi đầu tư đã biến một vùng đất sình lầy ven đô thị trở thành một nơi đẹp nhất và đáng sống của thành phố Rạch Giá. Tại khu vực của dự án lấn biển đã cơ bản xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng. Các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, siêu thị, bệnh viện, trường học, công viên cây xanh... cũng được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ tốt và đúng mục tiêu ban đầu của dự án.
“Có thể nói, từ dự án lấn biển đã tạo cho thành phố Rạch Giá trở thành một trong những đô thị trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, năng động của cả nước”, đồng chí Nguyễn Văn Hôn nhấn mạnh.
Lấn biển đường vòng cung
Thành công của dự án lấn biển mở rộng thành phố Rạch Giá làm tiền đề để tỉnh Kiên Giang mạnh dạn cho chủ trương, phê duyệt quyết định đầu tư thêm nhiều dự án lấn biển tại các thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên và một số nơi có điều kiện tương tự. Trong đó, nhiều dự án đã và đang thực hiện rất thành công như dự án khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc thành phố Rạch Giá do Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang làm chủ đầu tư, được khởi công tháng 4/2015, quy mô 99,4ha, tổng vốn đầu tư 3.714 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số dự án lấn biển khác do Công ty cổ phần đầu tư Phú Cường Kiên Giang làm chủ đầu tư gồm dự án lấn biển khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia (thành phố Rạch Giá) có quy mô 68,68ha, tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, khởi công tháng 7/2019; dự án lấn biển Phú Cường đảo Phú Gia 30ha; dự án khu đô thị Phú Quý lấn biển Tây Nam Rạch Sỏi gần 100ha.
Khu lấn biển Tây Nam, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) với diện tích 68ha đã san lấp mặt bằng đang đầu tư xây dựng hạ tầng. (Ảnh: Việt Tiến) |
Tại thành phố Hà Tiên có dự án khu đô thị mới Hà Tiên quy mô 96ha được xây dựng hoàn toàn trên diện tích san lấp lấn biển, do Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư. Dự án này được khởi công từ tháng 4/2018.
Trong các dự án liên quan đến lấn biển đầu tư trong thời gian qua tại Kiên Giang, dự án khu đô thị Phú Cường thực hiện tại khu vực 4,5 của dự án lấn biển mở rộng thành phố Rạch Giá là thành công vượt bậc.
Dự án đã mang đến môi trường sống văn minh, hiện đại - một đô thị xanh giữa lòng thành phố Rạch Giá. Chỉ tính riêng khu đô thị Phú Cường đã cung cấp ra thị trường gần 3.400 căn nhà, là nơi sinh sống của gần 15.000 cư dân.
Cùng với đó là các công trình công cộng, tiện ích, khu vui chơi giải trí, khu thương mại mua sắm... tạo nên một môi trường sống tiện nghi và chất lượng.
Đồng chí Nguyễn Văn Hôn cho biết, Rạch Giá đang điều chỉnh quy hoạch chung, tiếp tục mở rộng ra biển khoảng 3.500ha, trong đó, có 5 hòn đảo nhân tạo, đầu tư xây dựng theo từng chủ đề riêng. Các hòn đảo nhân tạo sẽ kết nối với nhau bằng các cầu đô thị.
Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021-2030 tỉnh đột phá phát triển lấn biển theo định hướng sáng tạo, là lấn biển theo đường vòng cung, hoặc đường dẫn ra đảo, chứ không đơn thuần lấn biển tịnh tiến. Lấn biển theo đường vòng cung là cách làm tương tự Dubai, qua đó giữ được nhiều không gian biển, tạo điểm nhấn cảnh quan sinh thái cho Kiên Giang.
Ngoài ra, dự thảo quy hoạch cũng đề ra định hướng xây dựng sân bay ở khu lấn biển Rạch Giá. Các địa phương lấn biển gồm các thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc và các huyện Kiên Lương, huyện Kiên Hải. Trong đó, lấn biển và xây dựng các đảo nhân tạo ở Hà Tiên sẽ đáp ứng tiêu chuẩn để Hà Tiên đạt chuẩn đô thị loại 2.
Dự thảo quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; Rạch Giá-Hà Tiên-Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ hướng biển...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh, mục tiêu, tầm nhìn cũng như quan điểm của dự thảo quy hoạch đều xuất phát từ lợi thế tỉnh Kiên Giang có mặt biển dài hơn 200km và bờ biển nông nên có tiềm năng tăng diện tích đất bằng cách lấn biển. Lợi thế này sẽ giúp Kiên Giang thỏa sức sáng tạo, tạo các điểm nhấn độc đáo trong quy hoạch xây dựng đô thị và phát triển các công trình hạ tầng quan trọng.