Mở biển cho tàu vươn khơi
Mở biển cho tàu vươn khơi đánh bắt hải sản là chủ trương mang tính bước ngoặt của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhờ mở biển mà trong suốt một thời gian dài, khai thác hải sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đem lại sự ấm no và sung túc cho người dân.
Kiên Giang đang thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để cùng cả nước gỡ thẻ vàng EC. Đây là những nỗ lực nhằm từng bước hồi phục nghề khai thác hải sản, một nghề đã từng làm nên thương hiệu của tỉnh.
Nghề thu nhập cao
Chợ Giữa, xóm cư dân nhỏ thuộc phường An Bình, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) nằm ven kênh Ông Hiển, nơi có ngã tư đường thủy gồm ngã lên cầu Rạch Sỏi, ngã đến cầu An Hòa, ngã xuống xóm Tà Niên và ngã ra vàm Kênh Cụt. Những năm 1980, cái xóm nhỏ này tập trung nhiều thanh niên làm nghề khai thác hải sản. Những năm 2000 về sau, trong xóm có một số đại gia chuyển sang nghề khai thác hải sản, làm ăn rất phát đạt. Trong xóm có nhiều tài công, thuyền trưởng cự phách, các chủ tàu phải chiêu dụ bằng tiền và vật chất mới mong nhận sự phục vụ.
Anh Trần Phố là người ở phường An Hòa, thành phố Rạch Giá nhưng làm rể ở Chợ Giữa. Anh Phố có thâm niên hơn 40 năm mưu sinh trên biển và cũng là một tài công giỏi. Hôm gặp anh Phố ở một quán nước tại khu dân cư An Bình, hỏi chuyện nghề khai thác hải sản. Anh kể: “Ở Chợ Giữa có nhiều tay làm biển rất giỏi, từ nghề biển mà đổi đời như gia đình của thằng Mông, mẹ góa nuôi ba con trai. Ba người đều chọn nghề thủy thủ mưu sinh. Thằng Mông vào nghề sớm, giỏi giang, nhanh chóng trở thành tài công dẫn dắt đám em. Tụi nhỏ có hiếu, mua nhà lớn, tậu xe đắt tiền cho mẹ”.
Theo anh Phố, trước đây mỗi chuyến tàu cập bến, chia tiền, tài công giỏi đủ mua mấy lượng vàng. Đối với ngư phủ, mỗi người cũng mua được cả lượng vàng. Chủ ghe chỉ cần vài chuyến biển đã đủ kinh phí đóng chiếc tàu mới. Thằng Hiệp (con anh Phố) mới 14 tuổi, thấy nó mê nghề của cha, anh cho nó nghỉ học theo. Đến nay nó cũng làm nghề gần 20 năm.
Tàu cá của ngư dân neo đậu ở sông Cái Bé, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang sau những chuyến biển. (Ảnh: Việt Tiến) |
Bà Nguyễn Thị Hòa, ngụ phường An Bình hơn 40 năm sống bên kênh Ông Hiển, nhiều năm làm nghề đưa đò ngang (bến Chợ Giữa), cho biết, những gia đình sống ở các phường An Hòa, An Bình, Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá trước đây nhà nào có tàu đánh cá là “hoành tráng”. Có tàu nhỏ là nhà khá giả, có tàu lớn là nhà giàu.
“Thanh niên, trung niên, kể cả thiếu niên đều làm ngư phủ. Mỗi lần tàu về bến, chia tiền, họ mua vàng đeo đầy người. Xứ này ai cũng biết đội ghe Tấn Tài của gia đình ông Chín Lượm lên đến hàng chục chiếc. Ông Chín Lượm làm ăn giỏi và rất nổi tiếng”, bà Hòa nói.
Nhắc lại nghề khai thác hải sản, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang luôn tự hào về quãng thời gian làm Giám đốc Công ty Quốc doanh đánh cá Kiên Giang, kiêm Hải đoàn trưởng Hải đoàn tự vệ biển. Khi ấy đoàn tàu quốc doanh của Kiên Giang có 74 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, với đội ngũ thủy thủ hơn 1.500 người và tất cả là hải đội viên của Hải đoàn tự vệ biển. Ngoài nhiệm vụ khai thác nguồn lợi hải sản, đóng góp của cải, vật chất cho Nhà nước, chăm lo đời sống vật chất cho thủy thủ, hải đoàn còn có nhiệm vụ bảo vệ ngư trường để ngư dân yên tâm bám biển lao động, sản xuất.
Năm 1983, Tỉnh ủy chủ trương cho Công ty Quốc doanh đánh cá Kiên Giang mở rộng ngư trường khai thác ra vùng Biển Đông.
Nối tiếp về sau, Kiên Giang luôn là địa phương có đội tàu đánh cá mạnh và sản lượng khai thác luôn đứng đầu cả nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 9.800 tàu khai thác hải sản, chiếm hơn 10% cả nước. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt 585.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng.
Kiên Giang luôn là địa phương có đội tàu đánh cá mạnh và sản lượng khai thác luôn đứng đầu cả nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 9.800 tàu khai thác hải sản, chiếm hơn 10% cả nước. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt 585.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng.
Cơ cấu toàn diện lại nghề
Dù là tỉnh có đội tàu đánh cá mạnh và sản lượng khai thác luôn đứng đầu cả nước, nhưng hiện nghề khai thác hải sản của Kiên Giang đang trong tình trạng khủng hoảng. Tàu nằm bờ, ngư phủ bỏ nghề, chủ tàu nợ ngân hàng...
Theo anh Trần Phố, sau năm 2000 số lượng tàu đánh cá ở Kiên Giang tăng lên rất nhanh. Nhiều người ngoài ngành thấy nghề biển ăn nên làm ra đã vay tiền đầu tư đóng tàu, lôi kéo tài công, ngư phủ, tạo ra những phức tạp trong nghề. Tàu đông đúc nên biển có phần chật chội. Nhiều tài công liều lĩnh đưa tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác. Nhiều trường hợp đã bị bắt, tàu bị tịch thu, ngư phủ bị giam cầm, chủ tàu phá sản, nợ nần, có trường hợp bỏ xứ.
Ngư phủ bốc dỡ cá từ tàu lên cảng Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh Việt Tiến) |
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá, một “đại thụ” trong nghề khai thác hải sản cũng đang lao đao với nghề. Theo ông Ngữ, hiện số lượng tàu cá nằm bờ rất lớn do không tìm được tài công và ngư phủ, chủ tàu cạn vốn không lo nổi chi phí chuyến biển, hoạt động khai thác hải sản thua lỗ kéo dài… Vì vậy, tỉnh cần xem xét đóng cửa biển một thời gian để nguồn lợi hải sản được hồi phục. Trong cấp phép hoạt động khai thác hải sản cần phải tính toán, cơ cấu lại nghề nào được phép hoạt động, nghề nào hạn chế hoạt động và nghề nào cấm hoạt động.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Kiên Giang đã đề ra chương trình hành động với các khâu đột phá trong phát triển kinh tế biển. Lĩnh vực khai thác hải sản, Kiên Giang sẽ tái cơ cấu toàn diện, sắp xếp lại đội tàu khai thác theo hướng không tăng thêm số lượng tàu.
Tỉnh xây dựng các đội tàu mạnh khai thác xa bờ và khai thác viễn dương theo chương trình hợp tác của Chính phủ, đi đôi với sắp xếp, cơ cấu lại nghề cá ven bờ; ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp. Tỉnh nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt, đi đôi với tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ và thực hiện công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Trong hoạt động khai thác, Kiên Giang sẽ từng bước rà soát, củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất trên biển như mô hình tổ, đội, hợp tác xã, liên kết các khâu khai thác, thu mua, tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị. Trong quá trình hoạt động, ngư dân Kiên Giang đã có nhiều mô hình liên kết rất hiệu quả như mô hình nghiệp đoàn nghề cá.
Theo một số ngư dân, nghiệp đoàn nghề cá từng được thành lập thí điểm với gần 100 ngư dân tham gia. Nếu mô hình này được duy trì và hỗ trợ hoạt động sẽ rất tốt, nhất là trong việc hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giúp đỡ về thiết bị, vật tư, nhân lực sửa chữa máy móc khi hỏng hóc; thông tin về ngư trường, thị trường; hỗ trợ vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị phục vụ khai thác biển; hỗ trợ nhau về tinh thần, kết nối thông tin từ tàu về đất liền và ngược lại...
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, đề xuất sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang. Theo đề án này, đến năm 2025 Kiên Giang phải cắt giảm khoảng 2.550 tàu cá hoạt động xâm hại nguồn lợi, hoạt động không đúng quy định. Kiên Giang đang triển khai thực hiện các chính sách đi kèm để một chủ trương mang tính cấp bách, đúng thời điểm, trúng đối tượng nhanh chóng đi vào cuộc sống.