Mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn

Với mục tiêu toàn bộ các hộ dân ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn của Thủ đô đều được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã khuyến khích xã hội hóa đầu tư mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khu vực này. Tuy nhiên, không ít khó khăn, vướng mắc đang cản bước các nhà đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Trạm cấp nước Nam Sơn 3, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn giám sát quá trình cấp nước. (Ảnh ĐĂNG DUY)
Công nhân Trạm cấp nước Nam Sơn 3, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn giám sát quá trình cấp nước. (Ảnh ĐĂNG DUY)

Bài 1: Nỗ lực đưa nước sạch về vùng sâu, vùng xa

Mặc dù chi phí đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước sạch ở khu vực nông thôn lớn hơn ở khu vực đô thị, trong khi mức tiêu thụ nước của người dân chưa cao, nhưng mục tiêu 100% hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch ngày càng đến gần.

Là huyện thuần nông cách xa trung tâm thành phố, nhiều năm nay, việc phát triển mạng lưới cấp nước sạch cho 27 xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên, nhất là bảy xã khu vực phía tây của huyện, nơi có địa bàn rộng, mật độ dân cư thấp, gặp rất nhiều khó khăn. Các công ty nước sạch đều ngại đầu tư mạng lưới cấp nước sạch tại đây vì địa bàn cách xa nhà máy nước tập trung của thành phố dẫn đến chi phí đầu tư cao. Trong khi đó, nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện bị ô nhiễm. Người dân rất mong muốn sớm có nước sạch để sử dụng.

Để giải quyết tình trạng này, năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao cho Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam đầu tư hạ tầng, cấp nước sạch đồng bộ cho các xã của huyện. Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thi công hệ thống cấp nước sạch; sự ủng hộ của người dân, đến nay toàn bộ 27 xã, thị trấn của huyện đã có mạng lưới cấp nước sạch.

Anh Nguyễn Văn Chiến, người dân xã Văn Hoàng (huyện Phú Xuyên) vui mừng cho biết, chủ đầu tư dự án thực hiện công khai, minh bạch các chi phí đầu tư mạng lưới cấp nước sạch, cho nên gia đình anh và đông đảo người dân trong xã đã đăng ký lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch, đấu nối vào mạng lưới cấp nước. Gia đình anh rất phấn khởi khi được sử dụng nước sạch, không còn phải phụ thuộc vào nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm.

Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên, xã Văn Hoàng là xã cuối cùng của huyện hoàn thành xây dựng mạng lưới cấp nước, giúp 100% hộ dân có cơ hội tiếp cận nước sạch. Thời gian tới, huyện sẽ cùng nhà đầu tư tuyên truyền, vận động người dân đấu nối, sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại huyện Sóc Sơn, tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn huyện mới có khoảng 30% người dân, tương đương gần 26.000 hộ dân, tập trung ở khu vực trung tâm huyện và ba xã nằm trong vùng ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung; còn 18 xã chưa có mạng lưới cấp nước sạch.

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Thắng cho biết, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung tại huyện Sóc Sơn thấp là vấn đề được cử tri các xã, thị trấn nhiều lần có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Chỉ tiêu cấp nước sạch thành phố giao cho huyện năm 2023 đạt 85% rất khó hoàn thành, ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của huyện.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ người dân huyện Sóc Sơn được tiếp cận nước sạch thấp, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố có quyết định giao cho Liên danh Aqua One, chủ đầu tư Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, đầu tư mạng lưới cấp nước sạch cho 18 xã của huyện Sóc Sơn, nhưng chủ đầu tư không triển khai.

Tháng 8/2022, liên danh xin rút, không triển khai dự án. Ngay sau đó, Sở Xây dựng cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đề xuất thành phố giao cho Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội triển khai đầu tư mạng lưới cấp nước sạch cho 18 xã. Mặc dù hạ tầng giao thông khung của huyện chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, ảnh hưởng đến thời gian tiến độ lập hồ sơ dự án cấp nước, nhưng đến nay, Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội đã hoàn thành hồ sơ đầu tư mạng lưới đối với 11 xã, chuẩn bị thi công xây dựng ngay trong năm 2023.

Đối với bảy xã còn lại, gồm Tân Dân, Thanh Xuân, Phú Cường, Minh Phú, Minh Trí, Quang Tiến và Hiền Ninh, có ba đơn vị đề xuất đầu tư mạng lưới cấp nước, cho nên thành phố phải tổ chức đấu thầu theo quy định, dẫn đến thời gian đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công dự án phát triển mạng lưới cấp nước sẽ chậm hơn.

Thông tin về kết quả đầu tư các dự án nước sạch, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, đến nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn thành phố đạt hơn 1.530.000m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cho 100% hộ dân khu vực đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn.

Năm 2021, có khoảng 80% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, thì đến nay đã có 274 xã trên tổng số 413 xã, tương đương khoảng 85% người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Ông Lê Văn Du cho biết, năm 2023, Sở Xây dựng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tại ba xã huyện Đông Anh, 10 xã huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, năm xã huyện Chương Mỹ, bảy xã huyện Sóc Sơn và từ ba đến năm xã huyện Thạch Thất…, nâng tỷ lệ bao phủ cấp nước sạch cho khu vực nông thôn lên 90%.

Đối với các xã còn lại, tám đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành phố thực hiện 10 dự án mở rộng mạng lưới cấp nước và Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì triển khai dự án cấp nước cho ba xã miền núi, gồm Ba Vì, Khánh Thượng và Minh Quang. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đã giao cho các nhà đầu tư tại các huyện: Ba Vì, Đan Phượng và Chương Mỹ, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa nước sạch tới 100% địa bàn nông thôn.

(Còn nữa)