Trước khi tiếp nhận vị trí từ Thụy Ðiển, Tây Ban Nha đã công bố các ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU. Nhấn mạnh công nghiệp hóa lại và bảo đảm sự tự chủ chiến lược của khối là ưu tiên hàng đầu, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định sự cần thiết phải đưa EU thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá mức vào nước thứ ba, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, y tế, công nghệ, thực phẩm.
Theo ông Sanchez, nắm quyền tự chủ chiến lược sẽ giúp EU giảm nguy cơ bị cuốn vào hoặc chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng bên ngoài. Ðể hiện thực hóa ưu tiên nêu trên, Madrid mong muốn củng cố các ngành công nghiệp và công nghệ chiến lược của EU, đồng thời đa dạng hóa quan hệ thương mại, đặc biệt với khu vực Mỹ Latin.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh cũng là ưu tiên quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Tây Ban Nha. Theo Thủ tướng Sanchez, chuyển đổi xanh là chìa khóa giúp EU tiết kiệm khoảng 133 tỷ euro tiền nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ nay đến năm 2030, đồng thời tạo ra gần một triệu việc làm trong thập niên này.
Thủ tướng Tây Ban Nha nhấn mạnh, trong nửa cuối năm 2023, nước này sẽ thúc đẩy một cuộc cải cách thị trường điện để đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng tái tạo, giảm giá điện. Ngoài ra, trong bối cảnh các nước thành viên nói riêng và EU nói chung đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức, Tây Ban Nha đề cao mục tiêu củng cố tình đoàn kết để cùng nhau vượt qua những khó khăn hiện nay.
Ðây là lần thứ hai Tây Ban Nha đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng EU. So với nhiệm kỳ cách đây hơn 10 năm, bối cảnh địa chính trị tại châu Âu có nhiều thay đổi và Lục địa già đang đứng trước bộn bề thách thức. Các nền kinh tế trong khu vực đã trải qua một giai đoạn khó khăn khi giá năng lượng tăng dẫn đến lạm phát leo thang.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê EU (Eurostat), nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý đầu năm nay. Mặc dù lạm phát giảm xuống còn khoảng 5,5% trong tháng 6/2023, song vẫn cao hơn nhiều so mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, ngân hàng này có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 7. Tăng lãi suất là chìa khóa quan trọng để ghìm cương lạm phát, song nhiều nhà phân tích lo ngại, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Kinh tế Italia mới đây cảnh báo, EU có thể phải trả một cái giá đắt do cuộc chiến chống lạm phát.
Cùng với kinh tế, người di cư cũng là thách thức lớn của Liên minh Cờ xanh. Dù là vấn đề gây nhức nhối tại EU trong nhiều năm qua, song dòng người di cư vẫn là bài toán chưa tìm được lời giải, cũng như là nguyên nhân dẫn đến nhiều bất đồng giữa các nước thành viên.
Tại Hội nghị cấp cao EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ), EU đã không thể đạt được đồng thuận khi Hungary và Ba Lan phản đối quyết liệt thỏa thuận chia sẻ gánh nặng người tị nạn.
Thỏa thuận này vốn nhận được sự nhất trí cao tại cuộc gặp của Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên trước đó, song lại không thể vượt ải hội nghị cấp cao. Nhiều nhà phân tích cho rằng, bế tắc này là dấu hiệu cho thấy, vấn đề người di cư sẽ tiếp tục là chủ đề gây chia rẽ EU. Bên cạnh đó, các bất đồng liên quan tiến trình chuyển đổi xanh, cuộc xung đột tại Ukraine, năng lượng… cũng là phép thử đối với tình đoàn kết của liên minh gồm 27 thành viên này.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Sanchez sau khi Tây Ban Nha chính thức tiếp quản ghế nóng, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá cao sự chuẩn bị của Madrid cho vai trò người chèo lái con thuyền EU trong nửa cuối năm 2023. Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, nhất là khi Tây Ban Nha sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn trong tháng 7 này, song các nhà phân tích khẳng định, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng EU là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Tây Ban Nha khẳng định vị thế trong khu vực.