Kết quả, hiệu quả cụ thể của các hoạt động này cần có thời gian để chứng minh và thể hiện nhưng với việc mở rộng, thường xuyên tổ chức hoạt động phản biện, giám sát đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò, uy tín của Mặt trận Tổ quốc trong đời sống nhân dân.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, Ban Thường trực vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Lan Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, chủ trì.
Tại hội nghị, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, đã có 13 ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, thành viên các hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu trực tiếp, ngoài ra còn có ý kiến đóng góp bằng văn bản vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội. Các đại biểu cho rằng, đây là việc làm cần thiết, có tính pháp lý để các cấp, các ngành giúp nông nghiệp, nông thôn có bước đi, việc làm hiệu quả, thiết thực.
Thường xuyên tổ chức hoạt động phản biện, giám sát đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò, uy tín của Mặt trận Tổ quốc trong đời sống nhân dân.
Để Hà Nội trở thành lá cờ đầu của cả nước, trở thành trung tâm giống với công nghệ, năng suất, chất lượng cao, các ý kiến nhấn mạnh: Dự thảo nghị quyết cần chú trọng hơn nữa một trong những khâu quan trọng nhất là phải đào tạo, tuyển chọn được đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Để nghị quyết có hiệu quả thì phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Việc này có ý nghĩa quyết định, then chốt đến việc thành công hay không thành công khi thực hiện nghị quyết.
Ở góc độ khác, nhiều đại biểu khẳng định: Khi chính sách ra đời, cần làm rõ vai trò của nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ đô, nền kinh tế Thủ đô với kinh tế của các vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng khác; phải xác định sản phẩm đặc thù của Hà Nội là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp du lịch, sinh thái. Muốn có chính sách đầu tư phải có dự án cụ thể; nguồn vốn đầu tư nên tập trung vào một mối để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận...
Quan tâm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chủ trì và phối hợp tổ chức giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025 tại huyện Quốc Oai và huyện Ba Vì.
Đoàn giám sát đã trực tiếp khảo sát các dự án đã và đang được thi công xây dựng, như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường từ TL446 đi hồ C5 xã Thạch Hòa và dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông nội đồng kết hợp mương tưới tiêu xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và Trường mầm non B xã Minh Quang, Trường mầm non B xã Ba Trại (huyện Ba Vì); tổ chức trao đổi, làm việc với người dân và các cơ quan chức năng.
Đoàn giám sát đã ghi nhận, đánh giá cao các đơn vị về: Công tác tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025; chủ động triển khai thực hiện cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án, công trình tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.
Đoàn đề nghị các huyện quan tâm khai thác hiệu quả các chương trình, dự án đã được đầu tư; chỉ đạo các ngành triển khai tích cực giải quyết những vấn đề phát sinh từ những chương trình, dự án thuộc thẩm quyền; chuẩn bị tốt cho những dự án đầu tư mới để bảo đảm khi triển khai không xảy ra vướng mắc. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp của cấp ủy và chính quyền địa phương trong quá trình lập dự án; phát huy vai trò giám sát, hướng dẫn cơ sở của Mặt trận Tổ quốc trong quá trình thực hiện dự án, khơi dậy lòng dân, nhằm tăng cường tiếng nói cơ sở, tạo sự đồng thuận.
Không chỉ ở cấp thành phố, hoạt động phản biện, giám sát được các quận, huyện quan tâm thực hiện. Tại quận Thanh Xuân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân đã phối hợp một số đơn vị chuyên môn và đoàn thể chính trị-xã hội quận tổ chức đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm quy mô vừa trên địa bàn quận.
Đoàn đã giám sát trực tiếp tại 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thực phẩm thuộc sáu phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều hằng ngày và có yếu tố nguy cơ cao. Qua giám sát cho thấy, nhiều cơ sở kinh doanh đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật và hướng dẫn của chính quyền địa phương về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có những cơ sở chưa thực hiện theo hướng dẫn, đoàn giám sát đã kịp thời nhắc nhở, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm,...
Bên cạnh giám sát, đoàn đã kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân để chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm.
Tại các đơn vị giám sát, đoàn đã đề nghị ủy ban nhân dân các phường tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm...