Mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp

NDO - Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: HỮU NGHĨA
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: HỮU NGHĨA

Sáng 22/2, tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích 3.382km², dân số gần 1,7 triệu người. Tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước (đứng thứ 3 về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 898 triệu USD, trong đó riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu).

Ngày 11/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là cơ sở dài hạn cho công tác chỉ đạo, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, lợi thế để Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công. Người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp ảnh 1
Phân vùng kinh tế-xã hội tỉnh Đồng Tháp.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp, là cơ hội để lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho tỉnh mà còn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh có vị trí chiến lược với gần 50km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia, nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Đồng Tháp là địa danh nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội mang nét độc đáo và riêng biệt. Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được chú trọng, gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm chăm lo, hỗ trợ.

Mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp ảnh 2
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: HỮU NGHĨA

Qua đây, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua.

“Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh. Phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.

Đồng thời, đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Minh Khái cho rằng, quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế-xã hội.

Đó là các trụ cột: Phát triển công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo. Phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả. Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Phát triển du lịch gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là Nghị quyết số 13, năm 2022 của Bộ Chính trị. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

“Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng chí đề nghị tỉnh thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây, lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối; phát triển du lịch đặc trưng vùng sông nước trở thành ngành mũi nhọn, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa-lịch sử.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp…

Mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp ảnh 3
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: HỮU NGHĨA

Quy hoạch tỉnh là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp ảnh 4
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đoàn công tác dâng hương tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: HỮU NGHĨA
Mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp ảnh 5
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: HỮU NGHĨA
Mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp ảnh 6
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích.

Dịp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoàn công tác đã viếng Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tại phường 4, thành phố Cao lãnh, nơi an nghỉ của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm tại Khu di tích.