“Mở lối” cho sản phẩm OCOP của thành phố Cảng

Xây dựng và tổ chức chuỗi văn phòng trưng bày, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP hoạt động hiệu quả đang là giải pháp tích cực nhằm lan tỏa, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn, tạo đầu ra cho sản phẩm OCOP, góp phần tích cực sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Cảng.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản an toàn, đặc sản Hải Phòng.
Giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản an toàn, đặc sản Hải Phòng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã được thành phố Hải Phòng hưởng ứng và triển khai với quyết tâm cao từ Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và sự đồng thuận từ người dân 217 xã, phường, thị trấn của thành phố.

Với sự quyết tâm đó, từ năm 2019 đến nay, toàn thành phố công nhận 188 sản phẩm OCOP, trong đó có 126 sản phẩm đạt 3 sao, 57 sản phẩm đạt 4 sao, năm sản phẩm đang được gửi lên Trung ương để đánh giá OCOP 5 sao. Trong năm 2023, thành phố dự kiến đánh giá, phân hạng và công nhận 70 sản phẩm OCOP. Chương trình OCOP thật sự góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Nguyễn Ngọc Đam cho hay, để tiếp sức chương trình OCOP trong việc lan tỏa, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người dân, Khuyến nông thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng và tổ chức chuỗi văn phòng trưng bày, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Đây cũng là giải pháp tích cực nhằm góp phần giải bài toán mà các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, sản phẩm nghề truyền thống và nhiều nông dân đang loay hoay bấy lâu nay về đầu ra, hướng đi cho sản phẩm của mình.

Từ văn phòng đầu tiên được xây dựng và đi vào hoạt động vào tháng 6/2013, có trụ sở chính tại số 6, phố Chiêu Hoa, quận Kiến An, Hải Phòng, đến tháng 11 năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng xây dựng thêm bốn văn phòng tại thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy), thị trấn An Dương (huyện An Dương), thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) và thêm một điểm tại phố Nguyễn Lương Bằng (quận Kiến An).

Hiện tại, trên kệ hàng của chuỗi các điểm này đã có hơn 350 sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ các loại đã được giới thiệu và cung ứng. Trong đó, hơn 120 sản phẩm OCOP Hải Phòng của 35 chủ thể, đơn vị được giới thiệu; 80 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm an toàn, cùng hàng trăm sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố, sản phẩm vùng miền của khoảng 20 địa phương phía bắc, miền trung, Tây Nguyên cũng được giới thiệu…

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ cho hay, từ ngày đầu thành lập, công ty đã được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hỗ trợ tư vấn chuyển giao công nghệ, thiết bị máy ấp trứng sản xuất giống gia cầm; hỗ trợ sản xuất, duy trì giống bố mẹ gà Lương Phượng; hỗ trợ các mô hình vệ tinh sản xuất giống gà… đã tạo điều kiện cho công ty phát triển mạnh mẽ.

Từ hộ cá thể chăn nuôi gà theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, đến nay, công ty đã vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất gà ta nội địa lớn của cả nước. Cùng với đó, công ty còn là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng phương pháp an toàn sinh học vào sản xuất, chăn nuôi theo mô hình VietGAP với quy mô 5 triệu con giống/năm; chế biến, giết mổ, bảo quản cung cấp ra thị trường 2.000 tấn thịt gia cầm/năm, hơn 1,5 triệu quả trứng gà ri thương phẩm/năm.

Công ty đã xây dựng một chuỗi liên kết từ chăn nuôi gà ông bà, bố mẹ để sản xuất giống gia cầm thương phẩm; nuôi gà thịt và liên kết hộ chăn nuôi gà thịt, đầu tư dây chuyền giết mổ, nhà máy chế biến hiện đại… Đến nay, bảy sản phẩm mang thương hiệu Ogari của công ty đã đạt chứng nhận OCOP và trở nên quen thuộc, được người tiêu dùng ưa chuộng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, cùng với Trung tâm Khuyến nông, công ty còn hỗ trợ kết nối với các quận, huyện trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong cả nước để chuyển giao, cung ứng giống gia cầm có chất lượng giúp các hộ chăn nuôi phát triển an toàn...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Nguyễn Ngọc Đam chia sẻ, chuỗi hoạt động của văn phòng trưng bày, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng hoạt động với triết lý: Vì sức khỏe người tiêu dùng, vì lợi ích người sản xuất và vì một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Do vậy, chuỗi văn phòng trưng bày, giới thiệu, liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP thành phố Hải Phòng có quy chế, nội quy, quy định về văn hóa ứng xử cũng như quy trình xét duyệt sản phẩm tham gia và phân công trách nhiệm người phụ trách rõ ràng, người tham gia được đào tạo cơ bản... Nhờ đó, sản phẩm được giới thiệu, tiêu thụ ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng và gia tăng nhanh chóng.

Không chỉ giới thiệu, tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng, các sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn của nông dân Hải Phòng còn được giới thiệu qua các trang điện tử, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo của các văn phòng và qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ quảng bá sản phẩm, kết nối giữa người sản xuất với các nhà kinh doanh, bán lẻ, siêu thị…

Cũng qua đó, nhiều sản phẩm OCOP của Hải Phòng không chỉ người tiêu dùng tại thành phố Cảng biết đến mà đã lan tỏa ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, đáng chú ý như: Mật ong Tùng Hằng, gạo ruộng rươi của Hợp tác xã Thụy Hương, gạo hữu cơ Kiến Quốc, thịt gia cầm của Công ty Lượng Huệ, nước mắm Cát Hải, trứng gà Chiêu Viên, na của Liên Khê, sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu, rượu Đất Cảng…

Cùng với đó là các nông sản đặc trưng, an toàn của Hải Phòng như: Bánh đa Đất Cảng, bánh đa Đông trùng hạ thảo, tương ớt Quê Tôi, ổi thị trấn Vĩnh Bảo, dưa chuột, dưa vàng, dưa lưới nhà kính, nhà lưới; rau an toàn của Hợp tác xã Thắng Thủy, Hợp tác xã Thái Sơn…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, để nhanh chóng gia tăng số lượng sản phẩm OCOP ở nhiều nhóm ngành, thành phố Hải Phòng đang tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Trong đó, tăng cường hoạt động truyền thông rộng rãi, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm; sử dụng logo OCOP và hạng sao in trên bao bì sản phẩm; quảng bá các sản phẩm OCOP qua các hội chợ tại thành phố và các địa phương bạn. Đồng thời, chương trình OCOP cũng tiếp tục được triển khai sâu rộng đến các thành phần kinh tế để nắm bắt chủ trương, kiến thức về bộ tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng sản phẩm, cũng như các bước trong quy trình đăng ký tham gia…

Để hiện thực hóa điều này, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đang tiếp tục mở rộng hoạt động của chuỗi văn phòng tại các địa phương. Các văn phòng này tận dụng điều kiện sẵn có tại các trạm khuyến nông cơ sở để mở rộng việc trưng bày, giới thiệu, tư vấn xây dựng thương hiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể OCOP, các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm chủ lực của thành phố. Đây cũng là hoạt động tích cực đồng hành cùng nông dân, người sản xuất nông sản thực phẩm, góp sức cùng các cấp, các ngành, các địa phương sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Cảng.