Hiện tượng san hô bị tẩy trắng đã xảy ra ở nhiều rạn san hô trên khắp thế giới, bao gồm cả rạn san hô Great Barrier của Australia, nơi chỉ trong vòng 7 năm đã bị chịu tác động của 4 đợt tẩy trắng hàng loạt.
Nhà sinh vật học biển Rosie Steinberg cho biết, nghiên cứu của cô đã tìm thấy một loại san hô mềm khỏe mạnh hơn trong đợt sóng nhiệt và tạo ra nhiều tế bào tảo hơn so với khi ở nhiệt độ bình thường.
San hô mềm, giống như thực vật dưới nước hoặc cây cối, không có khung cứng bên ngoài. San hô mềm thường chưa được nghiên cứu nhiều vì chúng không hình thành rạn (San hô cứng là san hô tạo rạn) mặc dù chúng hiện diện trong các hệ sinh thái rạn.
Từ phòng thí nghiệm tại Đại học New South Wales (UNSW), nhà sinh vật biển Steinberg cho rằng cần phải lựa chọn loại cụ thể để ưu tiên, nếu cố gắng bảo vệ tất cả mọi thứ cùng lúc sẽ gây tốn kém chi phí. Và san hô mềm “là loài chúng ta cần bảo vệ, đây là những loài sẽ ổn (phát triển tốt) cho dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa."
Mô hình được cô Steinberg và các đồng sự lựa chọn là nghiền các mẫu san hô mềm ướt, đông lạnh để tạo ra một chất nhuyễn. Sau đó đưa qua một máy ly tâm để tách các tế bào tảo khỏi protein san hô.
Sau đó, các nhà nghiên cứu có thể xem xét số lượng protein, tế bào tảo và chất diệp lục, tất cả đều là những chỉ số về sức khỏe của san hô.
Cô Steinberg, người đồng phát triển phương pháp này cùng với Viện Khoa học biển Sydney, Đại học Bochum và Đại học Macquarie cho biết, so với san hô cứng, thời gian để san hô mềm bị tẩy trắng sẽ lâu hơn nhưng sẽ là “thảm họa” nếu nó bị tẩy trắng.
Theo nhóm môi trường thuộc Hội đồng Khí hậu, các vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông bắc của Australia phải đối mặt với các đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên hơn trong năm nay, sau khi nhiệt độ bề mặt nước biển ở khu vực này tăng lên khoảng 2-4 độ C so với mức trung bình.