Phóng viên: Đâu là những điểm mới đáng chú ý trong công tác tổ chức của VBA mùa giải 2023, thưa ông?
Giám đốc điều hành VBA Trần Chu Sa: Một trong những điểm nhấn đáng chú ý đó là chúng tôi sẽ thay đổi thể thức tổ chức so với mọi năm. VBA 2023 sẽ kết hợp cả mô hình thi đấu tập trung với sân nhà-sân khách ở vòng đấu loại. Điều này cũng giúp số trận đấu tăng lên từ 42 trận lên con số 63 trận, tương đương gần 50% số trận. Thay vì chỉ đối đầu hai trận, bảy câu lạc bộ giờ sẽ tranh tài ba lần.
Tất cả 21 trận được tăng lên sẽ được VBA tổ chức tập trung tại Nhà thi đấu Cầu Giấy (TP Hà Nội) từ ngày 10 đến ngày 30/6. Những trận đấu còn lại của mùa giải sẽ được tổ chức theo mô hình sân nhà sân khách tại các địa phương của bảy câu lạc bộ.
VBA 5x5 2023 khởi tranh với trận đấu giữa Hanoi Buffaloes và Saigon Heat. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Phóng viên: Sự thay đổi cũng tạo nên thách thức ít nhiều về kinh phí và công tác tổ chức. Vậy, vì lý do gì VBA quyết định thực hiện điều này?
Giám đốc điều hành VBA Trần Chu Sa: Nếu là fan hâm mộ VBA, cảm nhận chung của khán giả là mùa giải 2022 trôi qua quá nhanh. Số trận đấu chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thể thao của những người yêu bóng rổ. Thời lượng giải còn ngắn cũng là thách thức, trong khi quá trình xây dựng văn hóa và mở rộng lượng fan trung thành của mỗi đội bóng đòi hỏi thời gian dài.
Đứng trước yêu cầu tạo nền tảng để giải đấu phát triển và đáp ứng điều kiện của tình hình mới, VBA cần mô hình tổ chức linh hoạt hơn. Chính vì vậy, năm nay, VBA đặt ra yêu cầu phải tăng số trận đấu. Việc thực hiện mô hình kết hợp giữa thi đấu tập trung và thi đấu sân nhà-sân khách sẽ giúp giải kéo dài mùa giải, và khán giả sẽ có nhiều thời gian sống trọn vẹn với bóng rổ hơn.
Giám đốc điều hành VBA Trần Chu Sa. |
Hơn thế nữa, mô hình mới cũng giúp giải đấu tăng số trận với mức chi phí hiệu quả, không gây sốc cho các câu lạc bộ khi VBA đưa ra thể thức thi đấu mới (mỗi đội sẽ gặp nhau ba lần) ở vòng loại.
Cụ thể, khi số trận đấu tăng lên 50%, thời gian thi đấu kéo dài, vận động viên thi đấu nhiều hơn, trả lương nhiều hơn... sẽ dẫn tới chi phí tăng lên đáng kể và có thể gây ra một cú sốc lớn cho các đội bóng, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Vì vậy, mô hình mới vừa đáp ứng việc tăng số trận phục vụ khán giả, tăng giá trị truyền thông thương mại của giải đấu mà vẫn bảo đảm chi phí hiệu quả cho các câu lạc bộ thực hiện giải đấu.
Quan trọng nhất, việc tăng số trận đồng nghĩa tạo thêm nhiều cơ hội thi đấu và cọ xát cho các vận động viên trẻ. Trong năm nay, độ tuổi xét duyệt vận động viên thuộc chương trình đào tạo trẻ (Homegrown) sẽ giảm từ U20 xuống U18 và giữ nguyên như vậy trong các năm tới.
Khi có mùa giải dài hơn, các ngoại binh và cả những cầu thủ nội sẽ có thể sống được với nghề chơi bóng rổ chuyên nghiệp.
Cuối cùng, VBA hy vọng thể thức mới sẽ mở ra những mô hình kinh doanh mới nhằm giúp thể thao có thể sống và phát triển bền vững được với điều kiện ở Việt Nam.
Các vận động viên trẻ có thêm nhiều cơ hội thi đấu khi VBA 2023 tăng số trận đấu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Phóng viên: Với việc liên tục thay đổi thể thức trong vài năm gần đây, Ban tổ chức VBA có tính toán tới việc giữ vững một mô hình chính thức cho những năm tới?
Giám đốc điều hành VBA Trần Chu Sa: Nếu người hâm mộ biết đến VBA, mọi người chắc hẳn sẽ quen thuộc thể thức sân nhà-sân khách. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, giải đấu bắt buộc phải thực hiện mô hình thi đấu tập trung vào năm 2021. Sau đó, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và nhận ra mỗi mô hình lại nhiều lợi thế và cái hay riêng.
Chính vì thế, chúng tôi quyết định tổ chức đồng thời cả hai hình thức và hy vọng nếu thành công chúng tôi có thể nhân rộng và giữ đây trở thành thể thức thi đấu lâu dài cho vận động viên trong các năm sau.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!