Mô hình hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang là một nhu cầu thiết yếu của xã hội

NDO - Ngày 16/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hợp tác công-tư trong phát triển văn hóa”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận về hợp tác công-tư trong văn hóa; một số mô hình, kinh nghiệm tham khảo trên thế giới; điển hình hợp tác công-tư trên một số lĩnh vực; và việc thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) trên lĩnh vực văn hóa được thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi tập trung phân tích, đánh giá và đặc biệt là đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể như: Làm thế nào tháo gỡ các điểm nghẽn để hợp tác công-tư trên lĩnh vực văn hóa đạt hiệu quả; những kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện và đồng bộ khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi triển khai có hiệu quả đầu tư theo phương thức đầu tư PPP; các nguồn lực ưu tiên trong hợp tác công-tư trên lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới.

Mô hình hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang là một nhu cầu thiết yếu của xã hội ảnh 2

Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, văn hóa được coi là một trong bốn trụ cột chính, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Để phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững, việc khai thông áp dụng mô hình hợp tác công-tư trở thành một xu hướng tất yếu, đặc biệt khi nguồn lực từ nhà nước còn hạn chế và cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, thực tế triển khai các hoạt động hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta trong thời gian qua vẫn đang gặp nhiều rào cản về khuôn khổ pháp lý, cơ chế tài chính, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ban ngành có liên quan.

Lợi ích mang lại từ PPP không đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm quản trị,... mà cao hơn là tạo ra một tổng lực tập thể cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy giá trị, phát triển văn hóa nghệ thuật một cách bền vững.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Theo ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù phương thức đầu tư PPP đã xuất hiện từ lâu nhưng đa số chỉ áp dụng cho lĩnh vực giao thông với việc thực hiện theo loại hợp đồng BOT. Vì vậy, khi áp dụng cho các lĩnh vực mới như văn hóa, các nhà đầu tư sẽ khá khó khăn trong việc xác định doanh thu, chi phí, công suất hoạt động, khả năng trả nợ vay… nhằm đánh giá tính khả thi đối với hiệu quả tài chính.

“Đặc biệt khi áp dụng loại hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), đây là loại hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công trong thời hạn nhất định nhằm thu hồi vốn, hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình lại cho Nhà nước. Do đó, việc làm rõ khái niệm “sản phẩm, dịch vụ văn hóa công” là rất quan trọng để nhà đầu tư thuận lợi khi tham gia nghiên cứu đầu tư”, ông Nguyễn Hồng Văn cho biết thêm.

Mô hình hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang là một nhu cầu thiết yếu của xã hội ảnh 3

Đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mô hình hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang là một nhu cầu thiết yếu của xã hội trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Mô hình này không chỉ tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực và cơ chế về hoạt động văn hóa nghệ thuật, mỹ thuật thành phố thích nghi tốt hơn với nền kinh tế thị trường, giảm bớt gánh nặng cho thành phố mà còn thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, lan tỏa ý nghĩa tích cực, tốt đẹp của nghệ thuật đến toàn xã hội.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về thực trạng, khả năng và thách thức của việc hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi, góp phần khai thác có hiệu quả nguồn lực Nhà nước và huy động sự đóng góp tích cực từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực văn hóa.