Một nội dung quan trọng trong Nghị quyết được các nhà khoa học, tri thức đánh giá cao đó là xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ðồng thời, Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ðây là mong mỏi của các nhà khoa học, tri thức hiện nay, bởi một số cơ chế, chính sách còn hạn chế, chưa thật sự tạo điều kiện thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thể hiện rõ nhất là vẫn còn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng trong hoạt động khoa học công nghệ. Thực tế đang có tình trạng mỗi năm cả nước có hàng nghìn kết quả nghiên cứu khoa học, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân… Trong đó, nhiều kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng lớn. Tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn chỉ nằm trên giấy, lưu trữ trong ngăn kéo. Một trong những nguyên nhân được cho là cơ chế vẫn bó buộc, chưa thông thoáng. Theo quy định hiện nay, các nhà khoa học chỉ có hai lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Một là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Hai là tự mình khởi nghiệp. Ða số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ, bởi không được hỗ trợ vốn, kiến thức kinh doanh… Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thường chỉ quan tâm công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm.
Ðể khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt nhiệm vụ về cải cách cơ chế, chính sách mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đề ra. Cụ thể, phải thay đổi cơ chế để giải quyết được "nút thắt" trong mối quan hệ giữa khoa học nghiên cứu và ứng dụng, mở đường đưa các công trình nghiên cứu có giá trị đi vào đời sống.
Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong các bộ luật hiện hành. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích và bảo vệ các nhà khoa học khi được phân công quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Có chính sách cụ thể để các nhà khoa học đã tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được quay về làm việc ở cơ quan nghiên cứu khoa học; nghiên cứu chính sách đầu tư các nhiệm vụ khoa học công nghệ dài hạn gắn các nhà khoa học thực hiện đến sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh.
Do mối quan hệ khăng khít giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp nên cần nghiên cứu xây dựng cơ chế thúc đẩy hoạt động kết nối cơ sở nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, nhằm phát hiện vấn đề, tìm kiếm giải pháp, tạo công nghệ phù hợp với doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ; ưu tiên mua thiết bị, công nghệ là sản phẩm khoa học được tạo ra từ các nghiên cứu trong nước trong mua sắm công…
Việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phá bỏ điểm nghẽn, rào cản, để các công trình, nghiên cứu khoa học nhanh chóng ứng dụng trong thực tiễn, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng phát triển đất nước cũng chính là góp phần đẩy nhanh các mục tiêu, nhiệm vụ Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đề ra.