Mở cánh cửa kết nối vùng

Bình Phước đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho hai dự án đường cao tốc quan trọng: Thành phố Hồ Chí Minh- Thủ Dầu Một-Chơn Thành và Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành. Đây là hai tuyến giao thông huyết mạch, nối giữa vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiểm tra công tác tái định cư tại thị xã Chơn Thành.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiểm tra công tác tái định cư tại thị xã Chơn Thành.

Đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 124,13 km, tổng mức đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng và được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành phần thi công cơ bản trong năm 2026, đưa vào khai thác vận hành năm 2027.

Dự án có vận tốc thiết kế 100-120 km/giờ, bao gồm đoạn qua huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) dài khoảng 23,1 km và đoạn qua huyện Bù Đăng, huyện Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) dài khoảng 101,03 km; quy mô đầu tư bốn làn xe.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Phước Dương Văn Hiếu cho biết: Tổng diện tích giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành là hơn 1.028 ha, ảnh hưởng tới 2.152 hộ dân. Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ kiểm kê, đo đạc, bảo đảm công khai, minh bạch.

Song song đó, Bình Phước hoàn thiện và công bố phương án đền bù hợp lý, kịp thời, sát với giá thị trường; ưu tiên xây dựng khu tái định cư có hạ tầng hoàn chỉnh. Các địa phương có dự án đi qua cũng tăng cường truyền thông để người dân hiểu lợi ích và tạo sự đồng thuận cao.

Đến nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước đã chủ động phối hợp cùng địa phương tổ chức triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng tạm ngoài thực địa cũng như đo đạc bản đồ giải thửa trên cơ sở hồ sơ thiết kế. Riêng thành phố Đồng Xoài đã hoàn thành toàn bộ công tác cắm cọc tạm ngoài hiện trường và đo đạc bản đồ địa chính, kiểm kê công tác giải phóng mặt bằng.

Bình Phước cũng chuẩn bị vị trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hai tuyến đường cao tốc đi qua; trong đó, dự án đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành dự kiến bố trí 1.076 lô tái định cư; trên địa bàn huyện Bù Đăng bố trí khoảng 240 lô tại thị trấn Đức Phong; tại huyện Đồng Phú dự kiến bố trí ba vị trí: xã Đồng Tâm 105 lô; xã Tân Phước khoảng 10 lô và xã Tân Hưng 10 lô. Riêng trên địa bàn thành phố Đồng Xoài cần khoảng 9,8 ha để bố trí 425 lô tái định cư.

Ông Đỗ Văn Quang, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài chia sẻ: Đối với việc triển khai các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước, người dân rất phấn khởi vì hạ tầng giao thông sẽ được nâng cấp, việc đi lại thuận tiện hơn, thời gian di chuyển rút ngắn, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, du lịch… Nhiều hộ dân dù phải di dời, nhường đất cho dự án nhưng vẫn ủng hộ vì tin rằng con cháu mình sẽ được sống trong một môi trường phát triển hơn. Điều người dân mong mỏi nhất là công tác đền bù, tái định cư được thực hiện minh bạch, kịp thời để bà con an tâm sớm ổn định cuộc sống mới.

Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một- Chơn Thành dài 59,2 km; trong đó, đoạn qua Bình Phước dài 7,1 km, tổng kinh phí 1.474 tỷ đồng (1.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 474 tỷ đồng từ ngân sách địa phương). Giai đoạn 1 sẽ giải phóng mặt bằng với mặt cắt ngang 80m, xây dựng bốn làn xe cao tốc đầy đủ, vận tốc 100 km/giờ, có làn dừng khẩn cấp liên tục, hai bên có đường song hành rộng 11m và vỉa hè 6m.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Chơn Thành Lê Khắc Đồng cho biết: Dự án đi qua thị xã Chơn Thành ảnh hưởng đến 325 thửa đất, bao gồm cả đất nông nghiệp và đất ở. Mặc dù khâu giải phóng mặt bằng rất khó khăn nhưng huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền cho người dân nắm được mục đích, ý nghĩa của dự án, phân công phụ trách đến từng hộ dân, trách nhiệm gắn với từng cá nhân, lãnh đạo. Nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định: Để Bình Phước “cất cánh” thì phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, khu vực phải hoàn thiện. Do đó, tỉnh cần triển khai theo phương châm “giao thông đi trước một bước”.

Đây là giải pháp vừa tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện góp phần thu hút, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Khi hai tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác sẽ tạo mạng lưới giao thông liên kết vùng và khu vực một cách thuận lợi, rút ngắn khoảng cách với Thành phố Hồ Chí Minh, sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép- Thị Vải, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và bảo đảm an ninh-quốc phòng của Bình Phước.