Tham dự Hội thảo có nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn - tác giả của các tác phẩm “Truyện Kiều dưới cái nhìn con số và thành ngữ số dân gian”, “Kiều và Bói Kiều”, “Khuôn trăng, nét ngài, cuộc tranh luận chưa kết thúc”, “Truyện Kiều bản UNESCO”, “Truyện Kiều - Khảo, Chú, Bình”…; nhà nghiên cứu Lê Nghị - chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nguồn gốc tiếng Việt, từ tiếng Hán, tác giả “Thăng Long - Hà Nội ký”, “Lịch sử Truyện Kiều”; họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn - tổ trưởng môn Mỹ thuật của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành - Đại học Sư phạm Hà Nội, họa sĩ vẽ các tác phẩm tranh lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”.
Buổi hội thảo cũng giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Kiều bản Kinh Ngự dụng” của nhà in Công Thiện Đường và Triển lãm tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn.
Các diễn giả và các đại biểu cùng giải đáp những thắc mắc cũ hoặc đưa ra những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử Truyện Kiều để mỗi người tự suy ngẫm về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt như: Cách sử dụng và ý nghĩa biểu đạt ước lệ của 411 câu thơ sử dụng các con số; Khảo sát, phản biện và kiến nghị về quan điểm của nhà nghiên cứu Đào Duy Anh về việc Nguyễn Du mượn cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) để viết “Truyện Kiều”; Quan điểm của Giáo sư Dương Quảng Hàm về danh tác “Đoạn trường tân thanh” trong Việt Nam văn học sử yếu; Tiếp cận văn bản Hán văn để thấy rõ Thanh Tâm Tài Tử và Kim Vân Kiều truyện (bản đánh số A953) là tác giả, tác phẩm của người Việt; So sánh nội dung cuốn A953 của Thanh Tâm Tài Tử và cuốn Kim Vân Kiều truyện của Lý Chí Trung; Những chú giải lệch lạc về “Truyện Kiều” trong sách giáo khoa và các ấn bản...