Miền trung ứng phó ngập lụt và sạt lở đất

Từ rạng sáng 13/10, các tỉnh miền trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to, nhiều nơi mưa rất to. Các địa phương đang khẩn trương thực hiện biện pháp ứng phó, sẵn sàng di dời dân ở những điểm xung yếu, ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của  Nhà nước, nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Di dời khẩn cấp 10 hộ dân Xóm Gióng, phường An Tây, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) đến nơi an toàn. (Ảnh CÔNG HẬU)
Di dời khẩn cấp 10 hộ dân Xóm Gióng, phường An Tây, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) đến nơi an toàn. (Ảnh CÔNG HẬU)

Tại Đà Nẵng, mưa lớn liên tục từ rạng sáng đến tối 13/10, gây ngập úng nhiều nơi. Ngay trong buổi sáng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công điện về việc ứng phó mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất khu vực thành phố Đà Nẵng.

Theo ghi nhận của phóng viên, mưa lớn trưa 13/10 đã làm úng cục bộ nhiều tuyến phố chính của Đà Nẵng như Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lê Đình Lý, Hùng Vương, Quang Trung... sâu từ 0,3 đến 0,5m, một số đoạn sâu hơn 0,8m, khiến giao thông hỗn loạn. Anh Nguyễn Bảo Thành đang lái xe qua đoạn đường Nguyễn Văn Linh cho biết: “Xe bán tải nhưng vẫn bị ngập đến gần nửa bánh, vì vậy, tôi không dám mạo hiểm vì có một số đoạn ngập rất sâu. Cũng may là chưa phải thời điểm triều cường và hầu như không có gió nên nước sông Hàn không dâng cao, đường Bạch Đằng và 2 tháng 9 vẫn có thể đi được”.

Dự báo, mưa lớn sẽ còn tiếp tục kéo dài, vì vậy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Đà Nẵng đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai ngay phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt. Các ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công triển khai phương án phòng, chống mưa lũ cho các công trình, huy động lực lượng, phương tiện để khơi thông cống rãnh, các lối thoát nước tự nhiên… để hạn chế ngập úng các khu dân cư, tuyến đường chính, công trình đang thi công...

Ngay trong sáng 13/10, các lực lượng công an, quân đội, dân phòng... cùng chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực ngập úng sâu, cử lực lượng trực tại chỗ, hướng dẫn lưu thông, không để người dân đi vào khu vực nguy hiểm. Để giảm thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ công tác phòng tránh thiên tai, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng hệ thống theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn thành phố. Thiết bị di động, máy tính với ứng dụng Danang Smart City, người dân và du khách dễ dàng theo dõi lượng mưa từ 44 trạm đo; theo dõi mức ngập nước ở khoảng 400 điểm, tuyến đường thường xuyên bị ngập khi mưa lớn để chủ động trong di chuyển. Đồng thời, họ cũng có thể gửi mức ngập nước tại vị trí của mình lên ứng dụng để chia sẻ, cung cấp thông tin cho chính quyền, cộng đồng, hoặc gửi yêu cầu cứu hộ khẩn cấp đến cơ quan chức năng. Ứng dụng cũng cung cấp thông tin hơn 1.000 địa điểm sơ tán dành cho người dân, du khách nếu bị ngập sâu và số điện thoại khẩn cấp theo từng địa bàn.

Trên đèo Hải Vân đoạn qua phường Hòa Hiệp Bắc, Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng, khiến giao thông ngưng trệ. Vị trí sạt lở xảy ra tại Km905+500, đây cũng là đoạn sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa lớn ngày 14/10/2022. Tại hiện trường, đất đá đổ tràn xuống lấp hết mặt đường, phá vỡ một phần rào chắn an toàn ở phía đông tuyến đường. Ngay khi phát hiện, Hạt Quản lý đường bộ Hải Vân đã báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn các phương tiện di chuyển qua hầm Hải Vân. Nhờ phát hiện kịp thời, nên không có thiệt hại về người và phương tiện lưu thông. Đơn vị đã huy động máy múc, máy ủi, nhân lực sẵn sàng dọn dẹp mặt bằng ngay khi mưa ngớt để sớm thông xe qua đèo.

Miền trung ứng phó ngập lụt và sạt lở đất ảnh 1

Chốt chặn ở nam chân đèo Hải Vân vì sạt lở. (Ảnh CÔNG VINH)

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài làm sạt lở núi ở Tỉnh lộ 551, đoạn qua huyện Kỳ Anh khiến các phương tiện không thể lưu thông. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở vùng thấp trũng và ven sông suối, các ngầm tràn qua khe suối ở khu vực miền núi. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Hải Lăng ngập sâu từ 0,4 đến 0,7m. Tại huyện miền núi ĐaKrông, tuyến đường tuần tra biên giới Sa Trầm, xã Ba Nang đi Pa Linh, xã A Vao bị sạt lở, đất đá đổ xuống đường khoảng 30m3 làm giao thông bị chia cắt tạm thời. Sáng 13/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi các đơn vị, trường học yêu cầu theo dõi, ứng phó với tình hình mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học khi mưa lớn, lũ lên cao.

Đến chiều 13/10, 126 đập, hồ chứa thủy lợi của Quảng Trị vẫn đang trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị quản lý vẫn liên tục kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, kịp thời phát hiện và khắc phục hư hại, đề phòng sự cố tại các khu vực xung yếu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn gửi các địa phương, cơ quan, đơn vị... yêu cầu tập trung nhân lực, phương tiện để ứng phó mưa lũ, trong đó chú trọng phương án và thực hiện ngay việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, bố trí các điểm sơ tán dân bảo đảm an toàn.

Chính quyền các địa phương chú ý phân công lực lượng Biên phòng, Công an, Quân đội vận động, khuyến cáo người dân, các phương tiện tham gia giao thông lưu ý không đi lại khi các điểm ngập lũ, có nguy cơ sạt lở đất. Bố trí lực lượng túc trực, cắm biển cảnh báo tại những nơi bị ngập sâu để người dân biết và chủ động phòng tránh. Đồng thời yêu cầu tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân không được chủ quan trước mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mực nước trên sông Hương tại Kim Long đang xấp xỉ báo động 1; sông Bồ tại Phú Ốc trên báo động 1. Tại hai huyện Phong Điền và Quảng Điền có nhiều tuyến đường bị ngập sâu từ 0,2 đến 0,4m, tổng chiều dài gần 16 km. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các địa phương, trường học chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Mưa lớn cũng làm sạt lở 10m kè sông Bồ, đoạn qua phường Hương Vân, thị xã Hương Trà.

Tại huyện miền núi Nam Đông đang có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá, mái ta-luy cao tốc La Sơn-Túy Loan, nhất là đoạn qua các xã Hương Phú, Hương Lộc, thị trấn Khe Tre... ảnh hưởng trực tiếp đến nhà dân ven sườn đồi, sông suối. Huyện A Lưới cũng xuất hiện nhiều khu vực nguy cơ lớn xảy ra sạt lở dọc tuyến Quốc lộ 49A và đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua các xã Hương Nguyên, Hồng Hạ, Phú Vinh, Sơn Thủy, Nhâm, Hồng Thủy, Hồng Kim, Lâm Đớt, A Roàng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, mưa lũ, sạt lở đất, chính quyền xác định từng vùng trọng điểm nhằm chủ động công tác ứng phó và triển khai lực lượng khi có sự cố thiên tai và làm tốt công tác “5 tại chỗ”.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế có công điện khẩn, yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi sát diễn biến mưa lũ, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Các đơn vị chức năng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tại tỉnh Quảng Nam, trưa 13/10, Ủy ban nhân dân tỉnh có công điện khẩn về tình hình mưa lũ từ ngày 13 đến 17/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại các sông suối vùng núi; sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông suối nhỏ; ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đều sẵn sàng phương tiện, nhân lực để ứng phó nếu mưa lớn kéo dài, trong đó ưu tiên việc di dời dân những điểm xung yếu đến nơi an toàn.

Từ sáng 13/10, nhiều địa phương đã chủ động cho học sinh các cấp học phổ thông được nghỉ học để đề phòng sự cố do mưa lũ. Riêng Đà Nẵng, tất cả cấp học phổ thông nghỉ học từ chiều 13/10 cho đến khi có thông báo mới.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 13/10, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 10-13 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 10,5-11,5 độ vĩ bắc; 114,5-115,5 độ kinh đông. Các vùng biển phía nam vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực bắc và giữa Biển Đông, khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan đang có mưa rào và dông. Trong 24 giờ sau đó vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc. Trong đêm 13 và ngày 14/10, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực bắc và giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh.

Vùng biển phía nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7, cấp 8. Vùng biển phía đông bắc của khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; biển động; sóng cao từ 2-3m. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.

Từ nay đến ngày 15/10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300 mm, có nơi hơn 500 mm; riêng khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng từ 300 đến 400 mm, có nơi trên 700 mm. Sau ngày 17/10, mưa lớn ở miền trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, cấp 2; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, cấp 3.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 16/10, trên các sông ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 8m, hạ lưu từ 1 đến 4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2; trên các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 3. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam ■