Xem triển lãm “Những mảnh vụn”: Màu của niềm vui

NDO - Không ít khách tham quan triển lãm “Những mảnh vụn” tại sảnh tầng 1 của Bảo tàng Hà Nội đã phải trầm trồ khi tận mắt ngắm những bức tranh, vật dụng được khéo léo ghép từ những mảnh lụa vụn trưng bày tại đây. 40 tác phẩm cùng các sản phẩm do chính tay những người khuyết tật thực hiện đã cho công chúng thấy vẻ đẹp từ những điều tưởng chừng là khiếm khuyết.
0:00 / 0:00
0:00
Một thợ thủ công của Vụn Art đang trổ các họa tiết trang trí bằng lụa trên túi vải với đầu mũi kéo.
Một thợ thủ công của Vụn Art đang trổ các họa tiết trang trí bằng lụa trên túi vải với đầu mũi kéo.

“Những mảnh vụn” là triển lãm chuyên đề tranh ghép vải lụa do người khuyết tật sáng tạo, do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hợp tác xã Vụn Art tổ chức, hướng tới những hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam 18/4, với mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực sống, vượt khó, vươn lên của những người yếu thế.

Triển lãm giới thiệu gần 40 bức tranh và nhiều sản phẩm thủ công ứng dụng. Ngoài ra, các nghệ nhân, thợ thủ công của Vụn Art còn trực tiếp trình diễn các công đoạn làm nên sản phẩm, giúp người xem triển lãm trải nghiệm một phần quy trình của những sản phẩm, những bức tranh được làm từ vụn lụa của làng nghề Hà Đông.

Xem triển lãm “Những mảnh vụn”: Màu của niềm vui ảnh 1

Dùng bàn là cố định các chi tiết trang trí.

Đối với nhiều người, có lẽ lần đầu tiên được chứng kiến cách những người thợ thủ công tạo ra những họa tiết trên một bức tranh, hoặc các hình đồ họa trang trí trên những sản phẩm thủ công.

Đứng rất lâu xem một người thợ thủ công trổ từng ô vuông nhỏ trên đường vẽ đồ họa của một chiếc túi vải thô, anh Nguyễn Tuấn Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh không hề biết một chiếc túi đẹp lại được tạo ra một cách kỳ công như vậy, cho đến khi tham dự buổi triển lãm này.

“Tôi khâm phục cách họ “dán” từng họa tiết vào túi bằng bàn là nóng, rồi trổ từng ô vuông trám nhỏ xíu với chiếc mũi kéo, tỉ mỉ, nhưng rất nhanh và đều. Kể cả người không khiếm khuyết, muốn làm được thành thạo và đẹp như vậy cũng phải mất một thời gian rất dài luyện tập” - anh chia sẻ.

Xem triển lãm “Những mảnh vụn”: Màu của niềm vui ảnh 2

Những người thợ thủ công của Vụn Art ngồi bên một chiếc bàn lớn, trong im lặng, trao đổi với nhau bằng thủ ngữ, giữa những tiếng ồn ào của triển lãm, và cả những tiếng trầm trồ của người xem. Họ thực hành tại triển lãm, như công việc hằng ngày vẫn làm.

Có mặt tại triển lãm, nhiều người đã phải thử độ tinh mắt của mình khi ngắm từ xa và đứng nhìn thật gần để nhận ra bức tranh được treo trên tường kia được gắn từ những mảnh lụa, chứ không phải là vẽ lên. Rất nhiều bức tranh dân gian, từ khỏe khoắn, thô mộc với những mảng màu dày, rực rỡ như tranh Đông Hồ, cho đến cầu kỳ từng đường nét, chi tiết như bộ tranh Hổ của dòng tranh Hàng Trống, rồi tranh Kim Hoàng, hay các tác phẩm nghệ thuật hiện đại, tranh phong cảnh… đều được những người thợ thủ công khéo léo tạo nên từ những mảnh vụn lụa.

Xem triển lãm “Những mảnh vụn”: Màu của niềm vui ảnh 3

Tranh "Mười hai con giáp" của họa sĩ Lê Huy Văn được tạo nên từ rất nhiều mảnh lụa màu.

Đó cũng là lý do mà tên tuổi, cũng như từng câu chuyện của những thợ thủ công tiêu biểu của Vụn Art được “kể” một cách đầy trân trọng và yêu thương ngay tại triển lãm, một điều hiếm thấy ở những triển lãm nghệ thuật khác.

Nguyễn Văn Quảng, được đặt tên “Hotboy của Vụn Art” là người câm điếc bẩm sinh, nhưng lại rất khéo léo và thông minh. Quảng học nhanh, và công việc ở Vụn đã khơi gợi được niềm đam mê, khám phá được năng lực của bản thân.

Xem triển lãm “Những mảnh vụn”: Màu của niềm vui ảnh 4

Một góc triển lãm.

Nguyễn Thùy Linh, một cô giáo mầm non không may mang bệnh về xương khiến cô yếu dần và không thể đi lại được. Ban đầu cô rất buồn và bế tắc, sau một thời gian làm việc tại Vụn, cô tìm lại được niềm vui khi thấy mình không vô dụng và vẫn có thể lao động, sáng tạo. Đến nay, Linh đã trở thành một thợ cứng của Vụn, sẵn sàng làm những bức tranh khó, tự tin giúp các bạn mới vào nghề, có thể đứng chia sẻ trước đám đông mà không sợ.

Đinh Văn Thành cũng là một trường hợp đặc biệt, khi vừa chậm phát triển trí tuệ, gia đình lại khó khăn khi chỉ có hai bố con sống cùng nhau. Đến với Vụn Art, Thành phải học rất nhiều, từ cách ăn nói đến cách làm việc. Nhưng chỉ sau 4 năm gắn bó với Vụn, Thành đã thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều khi tự mình điều khiển chiếc máy laser cắt lụa, điều không phải ai cũng làm được.

Xem triển lãm “Những mảnh vụn”: Màu của niềm vui ảnh 5

Những sắc độ khác nhau trong đóa sen đều được ghép từ vụn lụa.

Lê Nguyễn Thúy Biên, cô gái bị di chứng chất độc da cam, sức khỏe không được tốt nhưng lại rất chịu khó, nhiệt tình, việc gì cũng không nề hà. Không chỉ lăn xả vào công việc, tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm, cô gái bé nhỏ này còn truyền cảm hứng, năng lượng tích cực tới mọi người.

Và còn nhiều gương mặt khác nữa, như Lê Nguyễn Thúy An, Trịnh Quốc Bảo, Mỹ… những đôi tay khéo léo của họ chính là cách họ đối thoại với cuộc sống.

“Những mảnh vụn” không chỉ đem đến những bức tranh hay những sản phẩm từ đôi tay khéo léo của những người thợ thủ công khuyết tật. Triển lãm này còn mang đến màu của niềm vui, của sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống, từ những người khuyết tật gửi đến cộng đồng, và gửi cho chính mình.