"Mắt thần" giúp dân bảo vệ rừng gỗ quý

Xã Hra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) được giao quản lý hơn 394 ha rừng thuộc Tiểu khu 489. Rừng tại đây hiện còn khá nhiều loại gỗ quý, nhiều năm tuổi, có giá trị kinh tế cao cho nên thường xuyên được lâm tặc "để ý". Ðã vậy, các "đầu nậu" gỗ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào móc nối khai thác cây, đưa gỗ ra bên ngoài tiêu thụ. Do lực lượng kiểm lâm mỏng cho nên việc túc trực bảo vệ rừng là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cùng người dân làng Ðê Kôn, xã Hra tham gia bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cùng người dân làng Ðê Kôn, xã Hra tham gia bảo vệ rừng.

Thế nhưng, nhờ lắp camera giám sát cùng sự cảnh giác của người dân được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ rừng cộng đồng… đã giúp những cánh rừng xanh trải rộng hàng trăm héc-ta ở xã này vẫn còn được nguyên vẹn.

Từ đầu năm 2023, chính quyền địa phương đã trích kinh phí lắp hai camera đầu làng và giữa làng, tại vị trí ngã ba dễ quan sát, đồng thời lập chốt chặn bảo vệ dọc đường ra vào làng Ðê Kôn, xã Hra. Anh Hriu, Trưởng thôn Ðê Kôn cho biết: "Camera được người dân ví như "mắt thần" quan sát mọi diễn biến từ xa, phát hiện, ngăn chặn các vụ vận chuyển gỗ, người lạ ra vào làng. Có camera giám sát kết hợp với công tác vận động, tuyên truyền người dân không vi phạm lâm luật đã góp phần giảm đáng kể số vụ cưa hạ cây rừng trên địa bàn".

Anh Hoàng Xuân Hiệp, kiểm lâm viên xã Hra (Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang) cho biết, để bảo vệ mầu xanh của rừng, dân làng Ðê Kôn còn chia thành bốn tổ tuần tra, luân phiên nhau vào rừng kiểm tra, truy quét lâm tặc. Khi phát hiện có phá rừng thì báo cáo lên cơ quan công an, Hạt Kiểm lâm huyện. "Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chức năng huyện Mang Yang kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý năm vụ vi phạm Luật Quản lý, bảo vệ rừng, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong thành tích chung ấy, có việc người dân tích cực tuần tra, kiểm soát rừng và kịp thời báo cho lực lượng chức năng xử lý", anh Hiệp chia sẻ.

Theo ông Klunh, Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Ðê Kôn, làng của ông nhiều năm trước sống tách biệt giữa rừng núi do đường vào làng khó khăn, cách trở. Làng có 54 hộ với 257 nhân khẩu, trước năm 2021 có đến 30 hộ nghèo, năm 2023 giảm xuống chỉ còn 16 hộ nghèo. Ðược sự quan tâm của huyện, từ khi có con đường bê-tông mới thông thương dẫn vào làng Ðê Kôn, đời sống người dân từng bước đổi thay. Giao thông thuận lợi, thương lái không còn ép giá người dân thu mua nông sản vào vụ mùa. Bên cạnh đó, người dân làng Ðê Kôn được hướng dẫn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, nhờ vậy hằng năm bà con được hỗ trợ tiền từ chính sách giao khoán bảo vệ rừng và tham gia tuần tra, bảo vệ cây rừng đã tạo thêm động lực cho họ ổn định cuộc sống.

"Mỗi người dân như một kiểm lâm viên giữ rừng, coi rừng là tài sản của dân làng, phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Có camera giám sát, an ninh trật tự ổn định, mặt khác lâm tặc cũng biết khó có đường chạy thoát hoặc tẩu tán tang vật khi xâm phạm vào rừng", ông Klunh cho biết.