Chương trình mang tên "Tầm nhìn sinh thái " là nơi các nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư thể hiện cách của mình ứng phó với tình trạng khẩn cấp khí hậu.
Nghệ sĩ Alexandra Daisy Ginsberg, London, lần đầu tiên nghe kể về số phận của Sudan trên Twitter và đã quyết định “hồi sinh” cá thể tê giác này.
Trong video kéo dài sáu phút của Ginsberg mang tên "Thay thế", Sudan được tạo lại từ các cảnh quay lưu trữ của vườn thú và bằng các mô hình máy tính do công ty hiệu ứng hình ảnh The Mill cung cấp. Còn cách cá thể tê giác này di chuyển dựa trên nghiên cứu của công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind.
Nghệ sĩ Ginsberg nói: “Bạn chỉ cần ngồi trên một chiếc ghế dài và xem Sudan hiện hữu trước mặt bạn như một con tê giác trong một chiếc hộp. Bạn nghe thấy tiếng khịt mũi của nó. Bạn cảm nhận được cơ thể đồ sộ với trọng lượng lớn của con tê giác. Và trong một khoảnh khắc thăng hoa, nó sẽ nhìn thẳng vào mắt bạn”.
Ginsberg nói rằng cô "vô cùng xúc động" khi nhìn thấy Sudan. Cô một mặt thấy rất hài lòng nhưng vô cùng buồn bã khi đã tạo ra "hồn ma của con tê giác". Mục đích của cô là khiến mọi người cảm nhận về vị trí của mỗi loài trong thế giới tự nhiên.
"Thay thế". Ảnh: Học viện Nghệ thuật Hoàng gia, London, Anh.
"Tại sao chúng ta không thể chăm sóc những loài chúng ta đang có? Câu chuyện bảo tồn các loài động vật hoang dã rất cấp bách. Chúng ta cần thay đổi hành vi của mình và có tiếng nói với cấp có thẩm quyền”, nghệ sĩ Ginsberg nhấn mạnh.
Tác phẩm "Thay thế" hiện cũng đang được trưng bày ở New York và Hà Lan. Và chương trình "Tầm nhìn sinh thái" đã được trình chiếu thay phiên nhau kể từ năm 2018 tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển và bây giờ là Anh.