Lưu giữ mãi tình cảm và tinh thần đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam

NDO - Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris là dịp đặc biệt để bạn bè Pháp yêu chuộng hòa bình ôn lại những năm tháng ủng hộ và đấu tranh không mệt mỏi vì hòa bình của Việt Nam. Qua một chặng đường dài kể từ ngày lịch sử 27/1/1973, những tình cảm hữu nghị và đoàn kết "Vì hòa bình của Việt Nam thân yêu" vẫn luôn sống động trong tâm trí của mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhân chứng tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris được tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngày 18/1/2023.
Các nhân chứng tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris được tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngày 18/1/2023.

Bắt đầu từ trung tuần tháng 1/2023, nhiều hoạt động đã được tổ chức tại thành phố Verrières-le-Buisson, nơi lưu trú của Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, ở thành phố Choisy-le-Roi, nơi lưu trú của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một số nơi khác tại Paris và các khu vực lân cận.

Đó là hành trình rất ý nghĩa tìm lại dấu ấn, giá trị lịch sử của tinh thần đấu tranh kiên cường trên bàn đàm phán và trong phong trào phản đối chiến tranh để đi tới đích cuối cùng, đó là buộc Mỹ rút quân, Việt Nam được hòa bình và thống nhất.

Thật mừng được gặp lại những gương mặt thật thân quen với nhân dân Việt Nam, từng tham gia giúp hai đoàn đàm phán hay tham gia phong trào đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Không còn dáng đi xông xáo như khi xưa, nhưng những người bạn Pháp đã mang đến những tình cảm đong đầy theo năm tháng.

Tại thành phố Verrières-le-Buisson, những tư liệu cùng với hình ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Hiệp định Paris thu hút sự quan tâm rất lớn, nhất là các nhân chứng từng chứng kiến hoạt động của Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, cũng như những người biết đến Việt Nam kể từ khi có nơi ghi dấu ấn lịch sử này.

Cuốn sách do Hội Lịch sử của thành phố xuất bản có tựa đề "1968-1973 Verrières-le-Buisson: Bến bờ bình yên" kể lại câu chuyện dài về chiến tranh ở Việt Nam, về đàm phán Hiệp định Paris và tất nhiên có cả những hoạt động của nhân dân yêu chuộng hòa bình tại Pháp và nhiều nước trên thế giới.

Ông François Guy Trébulle - Thị trưởng thành phố Verrières-le-Buisson khẳng định, chính quyền và nhân dân thành phố luôn trân trọng những giá trị lịch sử, tự hào được chọn là nơi lưu trú của bà Nguyễn Thị Bình và Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Sự hiện diện đó đã khiến thành phố trở thành một bến bờ bình yên, gắn bó với Việt Nam kể từ ngày có đàm phán Hiệp định Paris. Chính vì vậy, Hiệp định Paris là một dấu mốc lịch sử của Việt Nam và cũng rất quan trọng đối với những người bạn Pháp.

Hiệp định Paris là một dấu mốc lịch sử của Việt Nam và cũng rất quan trọng đối với những người bạn Pháp.

Ông François Guy Trébulle - Thị trưởng thành phố Verrières-le-Buisson

Tất cả vì sự bình yên, hòa bình cho Việt Nam. Quả đúng là như vậy khi nghe lời tâm sự các nhân chứng trở lại thăm ngôi nhà ở số 49 (nay là số 17) trên phố Cambacérès ở thành phố Verrières-le-Buisson. Ông Michel Strachinescu, lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình từ năm 1970 đến 1973, xúc động nhớ lại: “Với tôi, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là điển hình, là tấm gương đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhiều nước khác trên thế giới. Khát vọng hòa bình của các bạn đã thôi thúc chúng tôi góp phần nhỏ bé vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam”.

Còn ông Jean-Luc Henrie và bà Daniele Henrie, chủ ngôi nhà từ năm 2016, niềm nở đón khách và bày tỏ niềm vinh dự được sống ở nơi có rất nhiều ý nghĩa lịch sử với các bạn Việt Nam. Ông bà cho biết có may mắn được gặp nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ duy nhất ký vào Hiệp định Paris, khởi đầu cho tiến trình giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Những tình cảm với Việt Nam còn lưu lại ở ngôi nhà đó và lan tỏa tới các thế hệ trẻ của hai nước. Xúc động trước những tình cảm đặc biệt của những người bạn Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp khẳng định: Có thể nói ngôi nhà không chỉ đánh dấu một giai đoạn lịch sử của đất nước, mà còn lưu lại tình cảm của hai dân tộc Việt Nam và Pháp.

Tại thành phố Choisy-le-Roi, lễ kỷ niệm việc ký kết Hiệp định Paris diễn ra vào ngày thời tiết giá lạnh. Dù vậy, chính quyền, nhân dân cùng các nhân chứng đã dành sự đón tiếp rất nồng hậu cho đoàn đại biểu các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp.

Không ai e ngại đi bộ nhiều km để thăm lại các địa danh gắn bó với sự kiện lịch sử này như Trường cán bộ Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp - tòa nhà Maurice Thorez tại số 8 đại lộ Général Leclerc, nơi phái đoàn Việt Nam đã từng lưu trú trong gần 5 năm đàm phán; căn nhà số 11 ở phố Darthé - nơi diễn ra các cuộc gặp bí mật giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger; và cả Quảng trường Hiệp định Paris, nơi có biểu tượng hòa bình Việt Nam, được khánh thành năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định lịch sử này.

Lưu giữ mãi tình cảm và tinh thần đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam ảnh 1

Thăm ngôi nhà ở số 11, phố Darthé tại thành phố Choisy-le-Roi, nơi diễn ra đàm phán bí mật giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger.

Dù không có cơ hội tiếp đón các bạn Việt Nam trong thời gian diễn ra đàm phán, Thị trưởng Tonino Panetta đã thể hiện sự trân trọng đối với tình đoàn kết giữa Choisy-le-Roi với Việt Nam nói riêng và giữa nhân dân hai nước nói chung, bởi ông biết rõ rằng nhân dân Việt Nam đã đi một chặng đường dài, gánh chịu nhiều hy sinh và mất mát để tới ký kết Hiệp định Paris.

Thị trưởng Tonino Panetta nhấn mạnh rằng, kỷ niệm sự kiện lịch sử này là dịp để ôn lại một thời đấu tranh của nhân dân Pháp vì sự thống nhất của Việt Nam, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu rõ những giá trị của tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước vì hòa bình, qua đó vun đắp hơn nữa.

Bà Nicole Trampoglieri, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt của thành phố Choisy-le-Roi, từng tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Nam trong thời gian đàm phán, xúc động khi thăm lại những nơi ghi dấu ấn của đoàn đám phán Việt Nam. Bà chia sẻ, những năm tháng sát cánh với các bạn Việt Nam là dấu ấn đặc biệt của tình đoàn kết hữu nghị gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Có mặt tại tất cả các hoạt động kỷ niệm ngày ký kết hiệp định, ông Gérard Daviot - nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt bộc bạch: “Cũng như những người cộng sản Pháp khác, tình cảm của tôi dành cho Việt Nam như lẽ tự nhiên khi biết rằng các bạn đã phải trải qua bao nhiêu năm ròng rã của chiến tranh. Tinh thần quyết đấu tranh để giành lại hòa bình đã thôi thúc chúng tôi phải làm hết khả năng để ủng hộ. Tôi rất khâm phục tinh thần đấu tranh của các nhà đàm phán Việt Nam, nhớ mãi hình ảnh của bà Bình, một phụ nữ Việt Nam đầy bản lĩnh, tự tin. Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc khi biết tin ký kết hiệp định, vui sướng vô bờ nhưng cũng lo cho chặng đường còn nhiều gian nan của các bạn Việt Nam tới khi thống nhất đất nước. Tôi luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, những tình cảm đó và kỷ niệm gắn bó như vậy mãi không phai”.

Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc khi biết tin ký kết hiệp định, vui sướng vô bờ nhưng cũng lo cho chặng đường còn nhiều gian nan của các bạn Việt Nam tới khi thống nhất đất nước. Tôi luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, những tình cảm đó và kỷ niệm gắn bó như vậy mãi không phai.

Ông Gérard Daviot - nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt

Thay mặt Đảng Cộng sản Pháp, phát biểu tại lễ kỷ niệm được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris, ông Pierre Laurent - nguyên Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp - ca ngợi tinh thần đấu tranh của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris.

Ông khẳng định, kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước Pháp, với những người cộng sản Pháp và tất cả những người bạn của Việt Nam. Những người cộng sản Pháp thấu hiểu đau thương và mất mát của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp kết thúc vào năm 1954, rồi lại tới chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Chính vì vậy, những người cộng sản Pháp đã cố gắng làm việc không mệt mỏi để tiếp đón, giúp đỡ hai đoàn đàm phán Việt Nam một cách tốt nhất có thể. Chiến thắng này là minh chứng cho khát vọng độc lập và hòa bình của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong hành trình đi tìm đường cứu nước.

Rất nhiều bạn Pháp đã chia sẻ với Việt Nam, không chỉ những thời khắc lịch sử chung, những giá trị chung về hòa bình và đoàn kết, mà còn sẵn sàng dành cho Việt Nam sự chào đón và chăm lo tốt nhất, mọi lúc, mọi nơi trên đất nước của mình. Việc ký kết Hiệp định Paris là một biểu tượng của hòa bình, không chỉ của Việt Nam mà cả nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp và trên thế giới.

Đã qua chặng đường nửa thế kỷ kể từ ngày lịch sử đó, tình đoàn kết của những người bạn Pháp dành cho Việt Nam không hề thay đổi, vẫn luôn quan tâm, chia sẻ, giữ nguyên bầu nhiệt huyết và tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Truyền thống hữu nghị và đoàn kết quý báu như vậy sẽ ghi dấu trong tâm trí các thế hệ trẻ để không ngừng vun đắp tình hữu nghị và tình đoàn kết giữa hai dân tộc.