[Ảnh] Những địa danh liên quan đến Hội nghị Paris

NDO - Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã tuyên bố: Hy vọng đi tới hội nghị hòa bình với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”. Ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Tuy nhiên, phải mất 30 ngày, hai bên mới thống nhất sẽ tiến hành đàm phán ở Paris theo sáng kiến của Việt Nam.

Vì sao Paris được chọn làm địa điểm để tổ chức hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam?

Thắng lợi của quân và dân ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong tình hình đó, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã tuyên bố: Hy vọng đi tới hội nghị hòa bình với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.

Ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Tuy nhiên phải mất 30 ngày, hai bên mới thỏa thuận, thống nhất được địa điểm họp ở Paris theo sáng kiến của Việt Nam.

Trong cuốn Hội nghị Paris về Việt Nam - Nhìn lại, 1968-1973 của Nhà xuất bản Thế giới, các nhân chứng của cuộc đàm phán tại Paris cho biết, sau khi cân nhắc nhiều địa điểm, cuối cùng Việt Nam và Mỹ đã quyết định tiến hành cuộc đàm phán tại thủ đô Paris của Pháp. Đối với Việt Nam, tuy Paris xa xôi và tốn kém nhưng lại là địa bàn thuận lợi để tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Khó khăn về hậu cần của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam được khắc phục với sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Pháp và cộng đồng người Việt.

Ngoài ra, vào thời điểm đó, Paris được coi là trung tâm báo chí của châu Âu. Tại đây, các đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với báo chí quốc tế nhiều hơn so với từ Hà Nội hay thông qua Đài phát thanh Giải phóng ở miền nam Việt Nam. Các hoạt động này đã tăng cường tình đoàn kết giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam.

Dưới đây là hình ảnh của một số địa danh liên quan đến Hội nghị Paris:

[Ảnh] Những địa danh liên quan đến Hội nghị Paris ảnh 1
Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris, tên cũ là "Hotel Majestic", địa điểm chính thức của hội nghị về vấn đề Việt Nam.
[Ảnh] Những địa danh liên quan đến Hội nghị Paris ảnh 2
Quang cảnh Choisy-le-Roi, thành phố cách trung tâm Paris 15km, nơi đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lưu trú và làm việc từ năm 1968 đến 1973.
[Ảnh] Những địa danh liên quan đến Hội nghị Paris ảnh 3

Trụ sở của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Choisy-le-Roi ở Paris, năm 1968.

[Ảnh] Những địa danh liên quan đến Hội nghị Paris ảnh 4

Tòa nhà số 11 phố Darthé, địa điểm diễn ra cuộc họp riêng đầu tiên giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) với Đại sứ Mỹ Averell Harriman.

[Ảnh] Những địa danh liên quan đến Hội nghị Paris ảnh 5

Biệt thự Fernand Léger ở phố Gif-sur-Yvette, là nơi tiếp khách của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, cũng là nơi họp riêng của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mỹ.

[Ảnh] Những địa danh liên quan đến Hội nghị Paris ảnh 6

Ngôi nhà ở Neuilly-sur-Seine, do đoàn Mỹ thuê, là nơi họp riêng giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mỹ.

[Ảnh] Những địa danh liên quan đến Hội nghị Paris ảnh 7

Trụ sở của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tại Hội nghị bốn bên về Việt Nam ở Verrières-le-Buisson, cách trung tâm Paris 15km.

---
Nguồn tư liệu:
- Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình, Nhà xuất bản Thông tấn
- Hội nghị Paris về Việt Nam - Nhìn lại, 1968-1973, Nhà xuất bản Thế giới
- Ban Tuyên giáo Trung ương
- Bộ Ngoại giao

back to top