Tại buổi lễ, Ban tổ chức thông tin khái quát mục đích, ý nghĩa việc thực hiện Đề án với quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong sự phát triển của tỉnh Ninh Bình.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, việc nhận diện, đánh giá chính xác giá trị kinh tế-thương hiệu Di sản thế giới của Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách bền vững, tăng cường nhận thức và trách nhiệm cộng đồng, mà còn giúp đưa ra các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giải quyết vấn đề dân sinh, dân kế, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đặc biệt cần thiết lập chiến lược hành động phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch và kinh tế sáng tạo làm động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ", thành phố sáng tạo trong tương lai của Ninh Bình.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh phát biểu tại buổi lễ. |
Kết quả nghiên cứu định lượng của Đề án sẽ là cơ sở để xây dựng các chính sách, chiến lược, dự án trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, thương hiệu của Quần thể danh thắng Tràng An một cách hiệu quả, bền vững và hài hòa, giúp cho các cơ quan quản lý tỉnh Ninh Bình và các bên liên quan đưa ra các sách lược và kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời cải thiện và đổi mới cách thức để quản lý nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị và chuyển giao Di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới 1972.
Ông Firmin Edouard Matoko, trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu tại buổi lễ. |
Sáng cùng ngày, đoàn công tác của UNESCO do ông Firmin Edouard Matoko, trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Đối ngoại và Ưu tiên châu Phi cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-30/10, đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.
Nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng ông Firmin Edouard Matoko cùng đoàn công tác có chuyến thăm quan, thị sát và làm việc tại Ninh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đánh giá chuyến công tác của đoàn có ý nghĩa rất quan trọng trong năm 2024 khi Quần thể danh thắng Tràng An kỷ niệm 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng gửi lời cảm ơn UNESCO đã đồng hành, ủng hộ Ninh Bình trong nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản Tràng An trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào quá trình hồi sinh một di sản quý giá, rất đáng chiêm ngưỡng.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình tiếp đoàn công tác của UNESCO. |
Nhấn mạnh chuyến công tác này của đoàn có nội dung quan trọng là lượng giá giá trị thương hiệu của Tràng An, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn hy vọng, UNESCO sẽ tổ chức một diễn đàn tại Ninh Bình để công bố một tuyên ngôn hoặc hiến chương về Tràng An và đưa ra những thông điệp cụ thể về: Mô hình mẫu mực, tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân; Mô hình hồi sinh di sản gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản quần cư; Mô hình công viên thành phố (City Park) hay trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời tiêu biểu dựa trên di sản thiên nhiên và cảm hứng di sản.
Tràng An (Ninh Bình) là một “món quà” đặc biệt của Việt Nam dành cho thế giới
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị UNESCO thúc đẩy, tạo điều kiện để thành phố Hoa Lư sớm được gia nhập vào mạng lưới các đô thị di sản, thành phố sáng tạo, thành phố lịch sử sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới một cách chủ động, tích cực; thông qua mạng lưới này được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch.
Khẳng định vinh dự khi quay lại Ninh Bình trong chuyến công tác rất ý nghĩa lần này, ông Firmin Edouard Matoko cho biết, UNESCO đánh giá rất cao tầm nhìn và ủng hộ sáng kiến của Ninh Bình, đồng thời cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Ninh Bình để phát huy hơn nữa giá trị di sản được UNESCO công nhận. Ông cho rằng, bài học thành công giữa UNESCO và Việt Nam sẽ là kinh nghiệm quý để UNESCO chia sẻ với các Văn phòng UNESCO ở các nước trên thế giới.