QUÂN ĐỘI ANH HÙNG CỦA MỘT DÂN TỘC ANH HÙNG

Lực lượng vũ trang Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp

Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nam Bộ đã trở thành tuyến đầu kháng chiến, thể hiện tinh thần bất khuất và ý chí quyết tâm của một vùng đất kiên cường. Lực lượng vũ trang Nam Bộ, từ những nhóm nhỏ du kích ban đầu đã nhanh chóng hình thành và phát triển mạnh mẽ, trở thành nòng cốt cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân dân Nam Bộ nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Nhân dân Nam Bộ nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp bất ngờ nổ súng tại Sài Gòn, chính thức khởi đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trước tình hình cấp bách, Xứ ủy Nam Bộ đã họp khẩn tại đường Cây Mai (Chợ Lớn), quyết định phát động kháng chiến toàn diện và thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ để lãnh đạo phong trào. Trong những ngày đầu kháng chiến, Sài Gòn trở thành tâm điểm của tinh thần yêu nước và ý chí quật cường. Quân, dân Nam Bộ dù chưa qua huấn luyện bài bản và thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vẫn dốc toàn lực bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Với khẩu hiệu “Thà chết chớ lui”, họ đã tổ chức các trận đánh quyết liệt, khiến quân Pháp thiệt hại nặng nề.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 cho biết: Quá trình xuất hiện lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ được bắt đầu từ khi chính quyền nhân dân được thành lập từ cấp xứ đến cơ sở. Quá trình ấy phát triển đột biến bởi sự kích hoạt mạnh mẽ của sự kiện ngày 23/9/1945. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị vũ trang bung nở ào ạt, rộng khắp. Tại thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ (gọi tắt là Lâm ủy hành chính) và Ủy ban nhân dân thành phố thành lập các đội tự vệ chiến đấu và quốc gia tự vệ cuộc (tên gọi của lực lượng Công an cách mạng, về sau gọi là Quốc vệ đội) làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, tuần tra canh gác tại các công sở, vị trí then yếu của thành phố.

Tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng địa phương, hàng loạt đơn vị vũ trang được thành lập với thành phần chủ yếu là thanh niên nông dân, công nhân đồn điền cao su, công nhân các cơ sở công nghiệp, học sinh, dưới sự chỉ huy của các cán bộ cốt cán, trí thức yêu nước hoặc đảng viên Đảng cộng sản

Tổng Công đoàn Nam Bộ thành lập lực lượng vũ trang công nhân, gọi là Xung phong Công đoàn (do Nguyễn Lưu chỉ huy), quân số ban đầu có 360 tổ với 60 súng. Bên cạnh đó, còn có lực lượng Cộng hòa vệ binh tổ chức thành Đệ nhất Sư đoàn dân quân cách mạng (do Kiều Công Cung, sau là Trương Văn Giàu chỉ huy). Đệ nhất Sư đoàn dân quân cách mạng gồm sĩ quan, binh lính trong bảo an binh cũ (do Nhật lập ra sau ngày đảo chính Pháp) đi theo cách mạng trong Tổng khởi nghĩa, được bổ sung hàng nghìn thanh niên công nhân Sài Gòn và nhiều đảng viên Cộng sản, quân số ban đầu khoảng 10 nghìn người với 400 súng. Lại có rất nhiều đội trinh sát vũ trang, trừ gian, cảm tử hoạt động trong nội ô thành phố.

Tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng địa phương, hàng loạt đơn vị vũ trang được thành lập với thành phần chủ yếu là thanh niên nông dân, công nhân đồn điền cao su, công nhân các cơ sở công nghiệp, học sinh, dưới sự chỉ huy của các cán bộ cốt cán, trí thức yêu nước hoặc đảng viên Đảng cộng sản. Ngoài ra, còn có Chi đội Nam tiến do Nam Long chỉ huy vào chiến đấu tại mặt trận phía đông Sài Gòn, một bộ phận trong số họ ở lại gia nhập vào lực lượng vũ trang Nam Bộ...

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Cụm Trưởng Cụm tình báo đầu tiên của miền nam Việt Nam H63 kể: Ngày đó, tôi 17 tuổi, giác ngộ cách mạng, tham gia lực lượng Thanh niên tiền phong làng Long Phước (thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ngày 25/8/1945, khi thủ lĩnh thanh niên tiền phong xã hô to: “Toàn dân hôm nay ra

Bà Rịa giành chính quyền”, tôi và mọi người vội chạy ra sau nhà đốn cây tre vót nhọn, gọi là tre tầm vông, chứ thời đấy đâu có súng ống gì. Sau khi giành chính quyền, tôi mới tham gia lớp quân sự 15 ngày để biết cây súng như thế nào, đánh giặc ra sao.

Ông Tàu nhớ lại: Thuở đầu, nhóm du kích xã có chín người, sau đó, tăng lên hơn 20 người. Do số lượng đông cho nên không thể ẩn nấp trong xã nữa mà phải chuyển lên núi hoạt động. Vì biết tiếng Pháp cho nên ông Tư Cang được chọn làm tình báo. Một ngày đầu tháng 3, ông phát hiện Sở Cao su Xà Bang của Pháp, lính canh hay nhậu ban đêm cho nên đêm 9/3/1946, đội du kích chín người đã tiến đánh nơi này, thu được năm khẩu súng trường. “Từ đó, tôi chính thức được chọn làm quân báo và sau này tập kết ra miền bắc được đào tạo làm tình báo”, ông Tư Cang nói. Và cũng từ đó, quân du kích đã thực hiện nhiều trận phục kích địch giữa đường, thu thêm được một số súng. “Để có kinh phí nuôi quân, mọi người phải xin quyên góp từ dân, ai có gì cho nấy, những buổi đầu đó, không có cái gì hết, tiền không, vũ khí không, chỉ có tinh thần yêu nước mãnh liệt trong người thôi”, ông Tư Cang chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Quân dân đồng tâm thực hiện lời thề độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trong bản Tuyên ngôn độc lập “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ gìn nền tự do và độc lập”; quân và dân Nam Bộ từ ngày 23/9/1945 đã đồng tâm thực hiện theo ý chí của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ “Độc lập hay là chết”, cả Sài Gòn đứng lên kháng chiến, các lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ở Sài Gòn cũng đi theo lực lượng cách mạng tổ chức các cuộc chiến đấu bằng mọi thứ vũ khí có trong tay kiên quyết chống quân Pháp xâm lược. Các tỉnh Nam Bộ sẵn sàng đứng lên cùng với Sài Gòn chống quân Pháp xâm lược.

Lực lượng vũ trang Nam Bộ bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm đã kiên cường giáng trả đội quân Pháp có đồng minh Anh hỗ trợ trong nhiều trận đánh.

Lực lượng vũ trang Nam Bộ bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm đã kiên cường giáng trả đội quân Pháp có đồng minh Anh hỗ trợ trong nhiều trận đánh. Trong ngày 23/9/1945, một Tiểu đội Tự vệ đã chiến đấu và hy sinh đến người cuối cùng để giữ lá cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Thủ Thiêm. Từ cuối tháng 9 sang đầu tháng 10/1945, lực lượng tự vệ và các lực lượng bộ đội mới hình thành đã tổ chức thành bốn chiến tuyến trên bốn mặt trận ở các cây cầu quan trọng ở Sài Gòn (cầu Thị Nghè, cầu Tham Lương, cầu Chữ Y, cầu Bình Điền); đồng thời, hình thành các “Vành đai đỏ” ở vùng ven thành phố, thực hiện trong đánh, ngoài vây giam chân quân địch và tiêu diệt chúng trong thành phố. Lối đánh “Trong đánh ngoài vây” là rất mới từ sáng tạo tự nhiên của quân dân Nam Bộ; trong đó, lực lượng vũ trang cách mạng tự tập hợp tổ chức thành bộ đội, tự tôn người chỉ huy để thành đơn vị vũ trang làm nòng cốt cho nhân dân cùng chiến đấu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng khẳng định.

Lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ hình thành trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; nhất là từ sau khi tướng Nguyễn Bình được Trung ương cử vào nam (tháng 12/1945), các lực lượng vũ trang cách mạng được tổ chức, xây dựng và phát triển, trở thành những đội quân thực chiến đầu tiên với đội quân nhà nghề của thực dân Pháp có quân đồng minh Anh tiếp sức. Trên cơ sở đó, lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam Bộ vừa chiến đấu dũng cảm, vừa sáng tạo nhiều lối đánh mới cho nghệ thuật quân sự Việt Nam đã tạo tiền đề, kinh nghiệm ban đầu rất quý báu, góp phần cho cả nước có thêm thời gian chuẩn bị, bước vào kháng chiến toàn quốc, trước khi bước vào kháng chiến trường kỳ đánh bại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.