Miền Đông Nam Bộ - Địa bàn đứng chân lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia

NDO -

NDĐT – Tháng 6-2017, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen cùng các quan chức cấp cao đã có cuộc hành trình nhằm tái hiện con đường cứu nước. 40 năm trôi qua, địa hình, địa vật tuy có nhiều thay đổi, nhưng Thủ tướng Hun Xen vẫn nhớ như in từ nơi cất giữ vũ khí, đến địa điểm gặp người Việt Nam đầu tiên, đặc biệt là được người dân cho ăn cơm, cháo sau nhiều ngày nhịn đói…, được Việt Nam giúp đỡ xây dựng lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia để cùng Quân tình nguyện Việt Nam đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Cuối những năm 70, người dân Cam-pu-chia đứng trước nguy cơ bị chế độ Pôn Pốt tiêu diệt hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, Trung đoàn trưởng Vùng 21, Quân khu Đông Cam-pu-chia cùng bốn người khác có một chuyến đi mà sau này đã viết thành trang sử sáng ngời nhất của đất nước, đó là vượt biên giới sang Việt Nam nhờ sự giúp đỡ để lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong chuyến thăm lại con đường mình đã đi sang Việt Nam nhờ sự giúp đỡ, tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước), Thủ tướng Hun Xen nhớ lại: “Vào thời điểm nêu trên, chúng tôi nghĩ nếu ở lại Cam-pu-chia trước sau gì cũng bị chết bởi bàn tay Pôn Pốt. Trong bối cảnh xung đột vũ trang, phía Việt Nam khó phân biệt được giữa người tị nạn và lực lượng Khmer Đỏ trà trộn để đánh tập kích. Do đó, tôi tự đặt ra một số câu hỏi và tự chất vấn mình: Mình có thể bị chết khi vượt qua biên giới do dẫm phải mìn, hoặc do bị lực lượng biên phòng Việt Nam bắn? Mình có thể bị bắt giam do vượt biên bất hợp pháp? Việt Nam có tin và giúp mình trong việc lật đổ chế độ Pôn Pốt hay không trong lúc Việt Nam đang có quan hệ ngoại giao với Cam-pu-chia dân chủ? Việt Nam có thể bắt và trả mình lại cho Pôn Pốt? Ở lại chắc chắn sẽ chết, sang Việt Nam còn cơ hội sống, cho nên tôi quyết định chọn thêm bốn người nữa sang Việt Nam tìm sự giúp đỡ.

Theo ký ức của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen, khoảng 21 giờ ngày 20-6-1977, Trung đoàn trưởng Hun Xen cùng bốn người khác sang Việt Nam để tìm sự giúp đỡ cứu Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong suốt quãng đường vượt rừng lội suối đến biên giới Việt Nam, trời mưa rất to kèm sấm sét. Khoảng 2 giờ sáng 21-6-1977, Trung đoàn trưởng Hun Xen cùng bốn người khác đã vào sâu trong địa phận Việt Nam khoảng 200m và quyết định dừng chân chờ trời sáng để định hướng đi. Khi trời sáng, họ tiếp tục đi về hướng đông được khoảng 6km thì gặp con đường mòn đất đỏ và quyết định cất giấu vũ khí để tránh sự hiểu nhầm, rồi tiếp tục đi để tìm gặp bộ đội và nhân dân Việt Nam. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, Trung đoàn trưởng Hun Xen gặp một nhóm người Việt Nam...

Ngày 26-6-2018, Thủ tướng Hun Xen đã đến huyện Lộc Ninh (Bình Phước) thăm lại con đường ra đi tìm đường cứu nước, tìm gặp những ân nhân từng giúp đỡ mình. Thủ tướng Hun Xen, nói: Hôm nay, tôi trở về nơi mà 40 năm trước bà con từng cưu mang tôi. 40 năm trước, cất giấu vũ khí xong, tôi đã đến đây. Khi nhìn thấy nhà dân, tôi nói với anh em: Nếu người Việt Nam bắt trói thì cứ để họ bắt trói. Rồi chúng tôi đánh bạo đi đến một căn nhà được làm bằng gỗ, tường bằng tre. Tôi gặp hai người đàn ông và một cô gái khoảng 17 đến 18 tuổi. Cô ấy biết tiếng Cam-pu-chia. Khi tôi đến đây thì những người này đã giúp tôi vào trong ấp và nấu cơm cho chúng tôi. Đó là lần đầu tôi được ăn cơm no. Tôi tiếc là không thể tìm được người phụ nữ 17 tuổi đã phiên dịch cho tôi lúc đó. Khi chúng tôi gặp du kích Việt Nam, họ đối xử rất tốt, không trói tay, không khám xét… Chúng tôi luôn ca ngợi hành động đẹp của Việt Nam. Dù không thể tìm tất cả những người đã trải chiếu ngồi cùng tôi ở đây, nhưng tôi rất nhớ mọi người…!”.

Ông Nguyễn Văn Thân, nguyên là du kích xã Lộc Thạnh nhớ lại: “Khoảng 2 giờ chiều 21-6-1977, du kích ấp Hoa Lưu báo về đang giữ năm người Cam-pu-chia. Chúng tôi được lệnh lên giải về xã. Khi đến nơi, chúng tôi thấy năm người mặc đồ đen mới ăn cơm xong. Trong số năm người chỉ có một người đem theo một chiếc túi, trong đó đựng dụng cụ y tế. Sau đó, chúng tôi dẫn giải họ về xã Lộc Thạnh để Xã đội trưởng thẩm vấn và đưa về huyện Lộc Ninh, sau đó chuyển về tỉnh Sông Bé”.

Sau cùng, Trung đoàn trưởng Hun Xen cùng đồng đội về đến ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Tại đây, ngày 12-5-1978, lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia (Đoàn 125) được thành lập, gồm hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, do Trung đoàn trưởng Hun Xen làm Chỉ huy trưởng, sau đó phát triển thành quân đội Cam-pu-chia hiện nay). Tại căn cứ bí mật, an toàn này, Việt Nam đã giúp nước bạn Cam-pu-chia gây dựng lực lượng, huấn luyện quân sự, chờ một ngày quay về cố hương đánh bại quân Pôn Pốt. Trong đó, Quân khu 7 đã trực tiếp tổ chức huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia. Các đơn vị tham gia huấn luyện gồm: hai tiểu đoàn bộ binh, ba đại đội đặc công, một đại đội trinh sát, một đại đội thông tin, một đại đội hỏa lực, hai đại đội công binh và vận tải.

Hai cán bộ Phùng Đình Ấm và Nguyễn Minh Quang là hai trong những người giúp Cam-pu-chia xây dựng tiểu đoàn đầu tiên cho lực lượng tiền thân của Quân đội Cam-pu-chia. Lúc đầu bất đồng ngôn ngữ, cán bộ của ta phải dùng tay, chân, làm mẫu động tác, tư thế để họ làm theo. Huấn luyện cho bộ đội Cam-pu-chia từ những thứ sơ đẳng nhất trong chiến đấu như: bắn súng, hành quân đêm, đến các động tác kỹ thuật, chiến thuật của đặc công, rồi cách đánh du kích; huấn luyện đêm…, không nề hà vất vả, thiếu thốn, kham khổ, chỉ mong Bạn xây dựng lực lượng hùng mạnh để về nước giải phóng nhân dân khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Ông Đào Ngọc Sơn, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Lữ đoàn 874 (Quân khu 7), nhớ lại: Hồi đó, dân sống ở đây ít và thưa thớt. Quanh khu này chỉ có hai ấp là Long Giao và Nhơn Nghĩa. Toàn bộ lương thực, thực phẩm đều do bộ đội Việt Nam giúp hết, kể cả đi chợ nấu nướng. Bộ đội Cam-pu-chia chỉ có nhiệm vụ huấn luyện thôi. Có lần, bộ đội ta cùng cán bộ, chiến sĩ của Cam-pu-chia xuyên rừng, lội suối qua nhiều ngày đêm lên tuyến biên giới Tây Ninh để tuyển quân cho lực lượng yêu nước Cam-pu-chia. Đến tháng 12-1978, Đoàn 125 đã phát triển thành 22 tiểu đoàn, sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu. Đầu năm 1979, khi Đoàn 125 về Cam-pu-chia thực hiện sứ mệnh lịch sử, thì căn cứ này tiếp tục làm nơi tiếp nhận, huấn luyện các đơn vị vũ trang khác của Cam-pu-chia.

Tại căm cứ Suối Râm có một nghĩa trang mang dòng chữ “Nơi an nghỉ các chiến sĩ Cam-pu-chia” bằng tiếng Việt và tiếng Khmer. Hai bên cổng phủ rợp mát bởi bóng hai cây đa cao, tán rộng, do Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen và Trung tướng Phan Trung Kiên (Tư lệnh Quân khu 7) trồng. Nghĩa trang cũng là Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia. Hầu hết những người nằm lại ở nghĩa trang là do trong quá trình xây dựng lực lượng bị thương, ốm đau, một số bị thương nặng khi chiến đấu tại Cam-pu-chia.