Nam Bộ, Liên khu 5 và chiến trường Lào góp phần chia lửa làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ

Thực hiện chủ trương tác chiến chiến lược của T.Ư Ðảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Ðiện Biên Phủ giành thắng lợi, quân và dân ta trên cả ba miền bắc, trung, nam cùng với đó là lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng và nhân dân Lào đồng loạt tiến công địch ở khắp nơi.

Bộ đội đánh địch ở An Khê (Trung Bộ). Ảnh tư liệu
Bộ đội đánh địch ở An Khê (Trung Bộ). Ảnh tư liệu

Chiến trường Nam Bộ: Trên đà thắng lợi, những tháng cuối năm 1953, đầu 1954, toàn Nam Bộ đẩy mạnh tiến công quân sự, kết hợp đấu tranh chính trị và binh, địch vận. Các tiểu đoàn chủ lực của các Phân liên khu miền Ðông, Phân liên khu miền Tây và các tỉnh kết hợp bộ đội địa phương (BÐÐP) tiến công vào các vùng địch hậu ở Gia Ðịnh Ninh, Mỹ Tho, Cần Thơ... và đánh vào hàng loạt vị trí địch trên các trục đường giao thông quan trọng. Ở Gò Công, chỉ trong một đêm, nhân dân và bộ đội hạ 132 đồn, bốt, tháp canh của địch. Tại vùng ven Sài Gòn, chỉ riêng tháng 3-1954, gần 20 đồn, bốt địch bị du kích và quần chúng tiến công, san phẳng. Cùng với đấu tranh quân sự, các địa phương đẩy mạnh công tác binh, địch vận. Nhiều nơi, đồng bào kéo đến vây chặt các đồn bốt, đưa người thân của binh lính ngụy vào đồn kêu gọi chồng, con, anh, em trở về với gia đình. Có nơi cứ tối đến là đồng bào lại lùa trâu đi chung quanh đồn làm cho địch tưởng có bộ đội về vây đồn, rồi sau đó vận động binh lính ngụy ra hàng. Có nhiều đêm, nhiều huyện, tỉnh cùng đồng loạt tổ chức quần chúng đánh trống, mõ, thổi tù và gây không khí náo nhiệt, uy hiếp tinh thần binh lính địch, đồng thời cổ vũ, động viên tinh thần LLVT và nhân dân ta.

Trong chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954, quân và dân Nam Bộ đã tiêu diệt, bức hàng, bức rút 1.200 đồn bốt, phá hủy 132 xe quân sự, bắn cháy 20 tàu chiến, diệt hàng nghìn tên, làm rã ngũ hàng chục nghìn binh lính địch. Vùng giải phóng được mở rộng, với hàng chục nghìn dân trở về vùng tự do.

Phong trào toàn dân đánh giặc và thế tiến công của quân và dân Nam Bộ chẳng những làm thất bại âm mưu bình định miền Nam của địch, mà còn giam chân một bộ phận quân cơ động của chúng, không cho chúng điều thêm lực lượng từ Nam Bộ đi tiếp viện cho Ðiện Biên Phủ và các chiến trường khác.

Liên khu 5: Bước vào chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954, cùng với phát triển chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, phá cuộc hành quân Át-lăng của địch ở vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú, quân và dân Liên khu 5 tập trung lực lượng tiến công địch ở Tây Nguyên.

Với tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, chỉ trong vòng hơn 20 ngày, từ ngày 26-1 đến 17-2-1954, quân và dân Liên khu 5 thực hiện thắng lợi chiến dịch bắc Tây Nguyên, loại khỏi vòng chiến đấu 2.300 tên địch, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở Kon Tum, giải phóng một vùng đất chiến lược rộng chừng 16.000 km2, tạo thành vùng giải phóng liên hoàn từ Quãng Ngãi tới Hạ Lào. Thất bại lớn ở bắc Tây Nguyên khiến địch buộc phải tạm dừng cuộc hành quân Át-lăng. Chiến dịch bắc Tây Nguyên đánh bại ý đồ "chủ động tiến công trước" và làm tan rã hơn nữa khối cơ động chiến lược của địch trên toàn chiến trường Ðông Dương.

Từ tháng 3-1954, Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương tập trung lực lượng phát triển vào nam Tây Nguyên. Ðồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, kể cả những nơi vừa bị địch chiếm đóng và đưa một bộ phận chủ lực vào đồng bằng, sẵn sàng đối phó với trường hợp địch đánh ra vùng tự do Quảng Ngãi. Theo đó, Trung đoàn 803 tiến vào khu tam giác Plây Cu - Cheo Reo - An Khê, uy hiếp hệ thống đồn, bốt địch trên đường số 7, đường số 14 và đánh cắt giao thông trên các tuyến đường này, buộc địch phải đưa lực lượng giải tỏa. Tiểu đoàn 365 (Trung đoàn 803) và Tiểu đoàn 375 hoạt động ở Phú Yên, uy hiếp phía sau lưng cánh quân địch theo đường 1 đánh ra Bình Ðịnh. Trên mặt trận đường 19, các Trung đoàn 120, 96 cùng một bộ phận của Trung đoàn 108 đồng loạt tiến công vị trí địch và kiềm chế không cho các binh đoàn cơ động của địch ở Plây Cu - An Khê tiến xuống hợp điểm ở Quy Nhơn.

Giữa tháng 3-1954, Trung đoàn 803 tích cực, chủ động tiến công địch trên hướng đường số 7 và 14; tập kích các cứ điểm Plây Tàu, Plây Rinh, làm cho binh đoàn cơ động số 100 bị thiệt hại nặng. Tiếp đó, Trung đoàn 803 tổ chức đánh địch ở Trà Khê, Ma Bếp, Ai Nu, Kà Tinh. Phối hợp với chủ lực, BÐÐP bao vây Bà Lá, uy hiếp Chư Ðrăng, Ðlây Ya... Trên hướng Phú Yên, Tiểu đoàn 375 và 365 tổ chức đánh địch ở Phong Niên, suối Cối, rồi tiến sâu về Tuy Hòa, phối hợp LLVT địa phương đánh vào các vị trí địch trên các trục đường số 1, 6 và 7..., buộc địch phải rút Binh đoàn cơ động số 41 từ Diêu Trì (Bình Ðịnh) về phòng thủ Tuy Hòa...

Chiến trường Lào: Nhằm tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Ðiện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh QÐND Việt Nam ra lệnh cho các đơn vị chủ lực vừa phối hợp LLVT và nhân dân địa phương, vừa phối hợp LLVT cách mạng và nhân dân Lào mở các chiến dịch tiến công địch ở những địa bàn quan trọng, từng bước hình thành các đòn tiến công chiến lược. Theo đó, trên hướng Trung Lào, Trung đoàn 66 (Ðại đoàn 304), hai trung đoàn (101 và 18) của Ðại đoàn 325 và một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam ở Lào phối hợp LLVT Pa-thét Lào, mở chiến dịch Trung Lào. Ðã loại khỏi vòng chiến đấu 8.500 tên địch, thu nhiều vũ khí, giải phóng một vùng rộng lớn từ nam, bắc đường 9 đến đông Xa-va-na-khẹt, với hàng trăm nghìn dân, hãm địch vào thế "Ðông Dương bị cắt làm đôi", buộc chúng phải tiếp tục phân tán lực lượng cơ động chiến lược.

Ở hướng Hạ Lào, lực lượng chiến đấu gồm Tiểu đoàn 436 của Ðại đoàn 325 và một đại đội bộ đội Liên khu 5, cùng tiểu đoàn chủ lực của Lào, đã tiến hành truy kích, diệt địch ở Nha Hỏn, Keng Xay, Huội Coòng... Lo sợ Xa-ra-van bị tiến công, địch phải điều hai binh đoàn từ Xê-nô xuống, lập thêm hai cụm cứ điểm mới ở thị xã Xa-ra-van và Pắc-xế. Với việc lập các cứ điểm này, khối quân cơ động Pháp vì thế lại càng bị phân tán hơn nữa.

Ở Thượng Lào, để đánh lạc hướng địch, tiêu diệt thêm sinh lực của chúng, buộc địch phải tiếp tục phân tán lực lượng, tạo điều kiện tốt cho bộ đội ta tiếp tục tiến hành mọi công tác chuẩn bị tiến công tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc", hai bên Lào - Việt Nam thống nhất mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công địch ở phòng tuyến sông Nậm U. Lực lượng tham gia trên địa bàn chiến dịch, phía Việt Nam có Ðại đoàn 308, Ðoàn 82 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào; phía Lào có hai đại đội và bốn trung đội BÐÐP.

Thực hiện kế hoạch chiến dịch, chiều 26-1, Ðại đoàn 308 rời Ðiện Biên Phủ tiến sang Thượng Lào. Phát hiện thấy địch rút khỏi Mường Khoa về hướng Mường Sài, Luông Pra-băng, Ðại đoàn 308 phân chia lực lượng thành hai cánh truy kích địch, sau đó vượt sông Mê Công, áp sát kinh đô Luông Pra băng. Lo sợ Pra-băng, Na-va vội lập cầu hàng không, tăng cường tám tiểu đoàn thuộc lực lượng cơ động chiến lược cho Mường Sài, Luông Pra băng. Ngày 13-2, Ðại đoàn 308 kết thúc chiến dịch, bí mật trở về mặt trận Ðiện Biên Phủ. Qua hơn 10 ngày liên tục tiến công truy kích địch, bộ đội chủ lực Việt Nam phối hợp LLVT và nhân dân Thượng Lào loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.000 tên địch. Căn cứ kháng chiến của Lào được mở rộng thêm gần 10 nghìn km2, nối liền khu giải phóng Thượng Lào với khu Tây Bắc Việt Nam. Phòng tuyến sông Nậm U "con đường liên lạc chiến lược" của địch nối với Ðiện Biên Phủ bị phá vỡ.

Trong chiến cuộc Ðông Xuân 1953-1954, quân và dân trên các chiến trường khắp cả nước và toàn Ðông Dương có sự phối hợp chặt chẽ, tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược đối phó ở khắp nơi, tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ lâm vào thế hoàn toàn bị cô lập, tạo thuận lợi cho ta thực hiện thắng lợi trận quyết chiến chiến lược.