"Lực đẩy" giúp giá dầu có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng còn nhiều yếu tố khó lường

Giá dầu thế giới có dấu hiệu tăng trở lại trong những tuần gần đây nhờ vào “lực đẩy” bao gồm triển vọng tăng trưởng khả quan hơn ở các nền kinh tế và biện pháp điều chỉnh sản lượng của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Giá dầu tăng cho thấy kinh tế thế giới đã bớt “ốm yếu”, nhưng phía trước vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, các yếu tố khó lường.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock/TTXVN)

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi ảm đạm năm 2023, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số quốc gia xuất khẩu dầu lớn khác, gọi là OPEC+, đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý I/2024, trong đó Saudi Arabia đi đầu với mức giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày. Việc giảm sản lượng như trên đã góp phần quan trọng đẩy giá “vàng đen” đi lên.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ngày 27/1, Giám đốc Điều hành Gazprom Neft (công ty dầu khí hàng đầu của Nga), ông Alexander Dyukov, nhận định OPEC+ không cần phải cắt giảm thêm nguồn cung dầu. Lý do là bởi giá dầu hiện đã ở mức tương đối cao và ổn định, trong khi mùa xuân đang đến gần, thời điểm nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng. Giới phân tích cho rằng, tại cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 1/2 tới, OPEC+ có thể sẽ quyết định mức sản lượng dầu của tháng 4/2024 và thời gian tới.

Bên cạnh đó, giá dầu còn tăng bởi tín hiệu phục hồi tích cực từ các nền kinh tế kéo theo nhu cầu dầu được dự báo tăng mạnh. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent tăng 1,4% và giá dầu thô WTI tăng 0,8%, lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 đến nay.

Trong sáng 29/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 84,48 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 78,93 USD/thùng. Đà phục hồi của giá xăng dầu được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 của Mỹ đạt 2,5%, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích.

Trong đó, tăng trưởng GDP quý IV/2023 của nước này đạt 3,3% - trái ngược với lo ngại trước đó. Ở thời điểm hiện tại, khả năng Mỹ có được một cuộc “hạ cánh mềm” trong năm 2024 đang lớn hơn bao giờ hết khi: lạm phát đã giảm nhiều, tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp và Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3.

Đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới năm 2024, đa số nhà phân tích cho rằng “những điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua”. Lạm phát đang có xu hướng giảm ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 4,8% năm 2024.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế khu vực châu Á cho thấy những dấu hiệu tích cực, giúp tăng trưởng của khu vực này trong năm 2023 đạt mức 4,9%, chủ yếu đến từ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. ADB đã ghi nhận mức tăng kinh tế của khu vực gồm 46 nền kinh tế, không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á - nhờ “đòn bẩy” của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa...

Trước những tín hiệu lạc quan nêu trên, OPEC vừa dự báo, năm 2024, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, không thay đổi so với dự kiến trong báo cáo tháng trước. Cũng theo tổ chức này, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh với mức 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2025, do kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 2,8% trong năm 2025, cao hơn so với dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm nay.

Tuy nhiên, dù lực đẩy đã mạnh hơn như trên, năm 2024 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể cản bước đà tăng giá “vàng đen”. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo vẫn khó khăn trong năm nay. Trong báo cáo Tình hình Kinh tế thế giới và Triển vọng 2024 mới được công bố, Liên hợp quốc đã cảnh báo những thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng, đe dọa kinh tế toàn cầu.

IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,9%. Nhưng, dù kinh tế thế giới có đạt mức tăng trưởng như các dự báo nêu trên, thì trong hai năm tới mức tăng trưởng vẫn dưới 3%, mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Do vậy, nhu cầu “vàng đen” khó tăng cao trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng quan ngại những dự báo lạc quan về kinh tế thế giới và giá dầu kể trên đều có thể không trở thành hiện thực bởi một loạt sự kiện “thiên nga đen” như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột Nga-Ukraine từng bất ngờ xảy ra trong mấy năm qua, theo đó “phủ bóng đen” lên triển vọng giá dầu và bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2024.