Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Brazil, ông Alexandre Silveira Oliveira đã tham gia cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ lần thứ 36 được tổ chức trực tuyến hôm 31/11. Tuyên bố chính thức đưa ra sau cuộc họp nêu rõ, OPEC kỳ vọng việc Brazil gia nhập OPEC+ sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng và vị thế của nhóm này trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Brazil hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở khu vực Nam Mỹ và nằm trong số 10 nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Theo báo cáo “Triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới năm 2023”, được công bố hồi tháng 10 vừa qua, Brazil sản xuất khoảng 3,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và sản lượng dầu thô của Brazil trong trung hạn dự kiến còn tăng mạnh.
Báo cáo của Cơ quan Dầu khí quốc gia Brazil (ANP) cũng cho biết, sản lượng dầu mỏ của nước này tăng 18,6% so mức năm 2022. Các hãng dầu mỏ tư nhân dự kiến tăng 75% sản lượng vào năm 2030, trong khi Tập đoàn dầu khí Petrobras, do Nhà nước điều hành, dự tăng thêm 81% sản lượng. Petrobras cho biết đang thực hiện kế hoạch chi 78 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2026 để đẩy mạnh khai thác.
Với thành viên là các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, OPEC+ hình thành từ năm 2016, khi OPEC thành lập liên minh với 10 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ngoài tổ chức này. OPEC+ hiện chiếm khoảng 40% sản lượng dầu toàn cầu và mục tiêu chính của liên minh là điều tiết nguồn cung dầu trên thị trường quốc tế. Các nước dẫn đầu trong OPEC+ là Saudi Arabia và Nga với sản lượng mỗi ngày lần lượt khoảng 9 triệu và 9,5 triệu thùng.
Brazil đã xác nhận chấp thuận lời mời tham gia OPEC+. Theo Reuters, phát biểu ý kiến ngày 2/12, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Tổng thống Brazil Lula da Silva cho biết, Brazil sẽ gia nhập nhóm 23 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Tham gia OPEC+, Brazil cũng mong muốn thuyết phục các nước tăng cường chuyển đổi năng lượng.
Ông Lula da Silva nói: “Điều quan trọng là các quốc gia cần chuẩn bị cho việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. Theo nhà lãnh đạo Brazil, các quốc gia sản xuất dầu mỏ nên sử dụng lợi nhuận để tăng cường đầu tư vào chuyển đổi năng lượng, sản xuất nhiên liệu tái tạo, đặc biệt là hydro xanh.
Bình luận trên mạng xã hội về ý tưởng của Tổng thống Lula da Silva, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Brazil Alexandre Silveira Oliveira cho biết, tham gia OPEC+, Brazil sẽ cùng các nước xuất khẩu dầu mỏ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy sử dụng doanh thu từ dầu mỏ để tài trợ phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Ông Silveira cho biết, Brazil sẽ tham gia thực thi điều lệ hợp tác của OPEC+ từ tháng 1/2024.
Thông điệp của Brazil đưa ra trong bối cảnh OPEC tích cực đóng góp cho COP28. Tại Hội nghị, Quỹ OPEC công bố một số sáng kiến và ký thỏa thuận với các tổ chức và quỹ tài chính nhằm tăng cường hỗ trợ cho các hành động khí hậu tại các quốc gia đang phát triển. Tổng Giám đốc Quỹ OPEC cho biết, Quỹ sẽ tăng cường hỗ trợ trên tinh thần chia sẻ gánh nặng do biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế mới nổi Brazil gia nhập OPEC+ được kỳ vọng sẽ mở ra những triển vọng mới cho nhóm, góp tiếng nói quan trọng trong việc điều tiết thị trường dầu mỏ thế giới trong tương lai. Động thái của Brazil được đưa ra sau khi các thành viên OPEC+ là Saudi Arabia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được mời tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).