Luật Hoạt động giám sát của nhân dân phải đáp ứng những vấn đề thực tế

NDO - Chiều 24/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân”.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Hương Diệp)
(Ảnh: Hương Diệp)

Triển khai thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu đề xuất xây dựng Dự án Luật về hoạt động giám sát của nhân dân" đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra trong Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp bộ đặc biệt nghiên cứu về “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân”.

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để đề nghị và tham gia với Nhà nước xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của nhân dân nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp về phát huy và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, về vai trò chủ thể của nhân dân trong Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Hoạt động giám sát của nhân dân” có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục đích làm rõ, làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn, những vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho việc đề nghị, xây dựng Dự án Luật Hoạt động giám sát của nhân dân.

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về những vấn đề lý luận về vai trò và hoạt động giám sát của nhân dân, pháp luật về hoạt động giám sát của nhân dân; tình hình, kết quả và những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động giám sát của nhân dân, từ đó đề xuất những quan điểm, yêu cầu, giải pháp mới và những nội dung, chế định cơ bản, quan trọng nhất của Dự án Luật Hoạt động giám sát của nhân dân.

Trong đó, có đại biểu nêu rõ: Để nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thực sự có hiệu quả bằng cả dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp; không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, pháp luật, quản lý cho nhân dân, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cung cấp thông tin đầy đủ, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra các hoạt động của Nhà nước.

Đề cập hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban thanh tra nhân dân, một số đại biểu khẳng định, hoạt động giám sát của các ban này ở cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Qua giám sát việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở đã giúp chính quyền địa phương khắc phục những thiếu sót trong công việc quản lý, chấn chỉnh những vấn đề tiêu cực của cán bộ, góp phần xây dựng chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Do đó, Luật Hoạt động giám sát của nhân dân cần pháp điển hóa quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng và chuyển quy định về Ban thanh tra nhân dân từ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở về Luật này.

Các đại biểu đề nghị: Dự án Luật Hoạt động giám sát của nhân dân cần có sự rà soát các luật như Luật Dân sự, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,... để tránh sự trùng lặp, chồng chéo tại các nội dung về giám sát của nhân dân. Đồng thời, Dự án Luật cần tăng cường sự phối hợp giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cấp, các ngành có liên quan đến giám sát của nhân dân để hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

Có ý kiến đề nghị: Cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trên cơ sở đó thực hiện các cuộc giám sát theo chuyên đề sát với tình hình thực tế địa phương; thực hiện trách nhiệm giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đối với hoạt động quản lý, điều hành

Các quy định về hoạt động giám sát của nhân dân, nhất là về giám sát trực tiếp của cá nhân, cộng đồng, tập thể hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội của nhân dân còn chung chung, ít khả thi.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, các quy định về hoạt động giám sát của nhân dân, nhất là về giám sát trực tiếp của cá nhân, cộng đồng, tập thể hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội của nhân dân còn chung chung, ít khả thi, tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đối với giám sát trực tiếp của công dân, còn thiếu những quy định về thẩm quyền, thủ tục, trình tự thực hiện.

Nhất là, đến nay vẫn chưa có một văn bản luật quy định riêng, tập trung về hoạt động giám sát của nhân dân, về các chủ thể, hình thức giám sát, phương pháp giám sát, hiệu quả pháp lý của hoạt động giám sát...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo và với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tin tưởng những ý kiến của đại biểu sẽ giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện sáng kiến pháp luật, đề nghị xây dựng đạo Luật và làm cơ sở để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền việc xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của nhân dân…