Bên cạnh đó, nhân dân ngày càng quan tâm hơn hoạt động giám sát, thể hiện rõ trách nhiệm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi lĩnh vực đời sống.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của người dân hiện nay chủ yếu thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và hoạt động của tổ chức này ở một số nơi vẫn còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc… rất cần được quan tâm giải quyết.
Đáng chú ý là, tính chất hoạt động không có “thực quyền”, không chuyên sâu; không trực tiếp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm mà chỉ dừng lại ở việc phát hiện và kiến nghị xử lý, do vậy hiệu lực không cao mà phụ thuộc vào trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, nội dung giám sát rộng trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở, trong khi thành viên các ban đều kiêm nhiệm, còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, chuyên sâu dẫn đến chất lượng, hiệu quả giám sát, kiến nghị chưa tốt.
Hiện nay, cả nước ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Vì vậy, vai trò của nhân dân trong việc tham gia giám sát để kịp thời góp phần ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng là rất quan trọng...
Tại các kỳ họp Quốc hội, khi trao đổi về các quy định pháp luật để nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát, một số đại biểu cho rằng, mỗi hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân có đặc điểm riêng với chủ thể, đối tượng, trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý...
Trong khi các quy định của dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với nội dung này còn chung chung về trình tự, thủ tục theo hướng dẫn chiếu sang các quy định có liên quan. Vì vậy, để người dân thuận lợi thực hiện quyền giám sát, cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát phù hợp mỗi hình thức kiểm tra, giám sát, nhất là trình tự, thủ tục Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện hoạt động của mình, từ đó có cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn và cũng là nền tảng để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của nhân dân quy định trong dự án luật có phạm vi là ở cơ sở. Hoạt động giám sát của nhân dân khác hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, vì vậy, cần xem xét, xây dựng các quy định luật pháp phù hợp phạm vi giám sát của
nhân dân.
Để người dân thực hiện giám sát có hiệu quả, góp phần cùng Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia xây dựng đất nước, phát triển quê hương, các địa phương, các cơ quan liên quan cần chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện đúng các tiêu chuẩn lựa chọn thành viên tham gia ban này ở cơ sở theo hướng bảo đảm về uy tín, sức khỏe, am hiểu chính sách, pháp luật, có kinh nghiệm về chuyên môn và xử lý tình huống thực tế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận các cấp đối với các ban nêu trên; chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho thành viên các ban; cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn cụ thể về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ công tác giám sát.
Cần quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm, bảo đảm nguyên tắc giám sát, phạm vi giám sát theo quy định của luật và các nghị định hướng dẫn thi hành, thông tri hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quy định về chế độ báo cáo của các ban này...