Luân chuyển cán bộ giúp các xã đặc biệt khó khăn ở Nậm Nhùn

Nậm Nhùn là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu với nhiều thành phần dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn cán bộ tại các xã khi mới chia tách, thành lập đều yếu về năng lực chuyên môn; vấn đề an ninh nông thôn, đơn thư khiếu kiện và các loại tội phạm diễn biến phức tạp, tình hình phát triển kinh tế-xã hội rất khó khăn... Sau 5 năm triển khai đề án luân chuyển cán bộ về cơ sở, các xã đặc biệt khó khăn có cán bộ được luân chuyển về giữ các chức vụ chủ chốt đã khởi sắc về nhiều mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác luân chuyển cán bộ vừa tạo môi trường rèn luyện cho cán bộ, vừa tăng cường nguồn lực cho cơ sở còn gặp khó khăn.
Công tác luân chuyển cán bộ vừa tạo môi trường rèn luyện cho cán bộ, vừa tăng cường nguồn lực cho cơ sở còn gặp khó khăn.

Nậm Manh là xã tiếp giáp với thị trấn Nậm Nhùn, do đặc thù địa hình bị chia cắt, người dân ở các bản chủ yếu là đồng bào H'Mông và Khơ Mú sinh sống rải rác, điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn.

Thêm vào đó, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật và tệ nạn ma túy trước đây diễn biến rất phức tạp; hệ thống hành chính ở cơ sở hoạt động kém hiệu quả.

Anh Vàng Văn Phiêng, Bí thư Chi bộ bản Nậm Manh, xã Nậm Manh cho biết, trước đây việc phát triển kinh tế của bà con trong bản chủ yếu tự cung tự cấp, trình độ nhận thức của các đảng viên trong chi bộ còn hạn chế, việc thực hiện các nghị quyết và tính nêu gương của đảng viên chưa cao.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã được tăng cường trực tiếp xuống chi bộ định hướng, hướng dẫn chi bộ đề ra các nghị quyết, đưa đảng viên là cán bộ xã xuống giúp các hộ đảng viên trong chi bộ phát triển các mô hình kinh tế để làm mẫu. Khi hiệu quả đạt được thì chi bộ lại tiếp tục phân công các đảng viên của chi bộ hướng dẫn và giúp đỡ bà con. Do vậy, hiện tại nhiều mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc đã hình thành.

Việc triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên được thực hiện có bài bản, kế hoạch, khoa học, hoạt động của chi bộ trở nên nề nếp, phát triển, hằng năm chi bộ đã đạt danh hiệu chi bộ xuất sắc.

Luân chuyển cán bộ giúp các xã đặc biệt khó khăn ở Nậm Nhùn ảnh 1

Ở Nậm Manh, cuộc sống người dân có sự thay đổi rất nhiều, điện đã sáng đường quê, bê-tông về đến từng nhà.

Theo đồng chí Khổng Văn Thành, bí thư Đảng ủy xã Nậm Manh, khi được luân chuyển về xã, anh đã đi xuống từng bản để nắm bắt tình hình, lắng nghe nguyện vọng của bà con nhân dân và đánh giá các điểm mạnh yếu tại các bản.

Trên cơ sở đó, Đảng ủy đã họp phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp xuống cở sở cầm tay chỉ việc từ các bước, cách thức sinh hoạt chi bộ, ra các nghị quyết đến thực hiện triển khai các mô hình phát triển kinh tế, đấu tranh phòng chống tội phạm và tuyên truyền đạo trái phép; nhân rộng và phát huy vai trò tiên phong của đảng viên.

"Phải để đảng viên thực hiện đạt hiệu quả, sau đó lấy chính những đảng viên tại chi bộ đó lan tỏa để nhân dân học tập và làm theo. Chính nhờ vậy mà Chi bộ các bản hoạt động hiệu quả hơn, các mô hình phát triển kinh tế không còn nhỏ lẻ mà quy mô lớn hơn", đồng chí Khổng Văn Thành cho biết.

Hiện tại, nhiều mô hình như trồng quế, dứa, chăn nuôi đại gia súc và phát triển du lịch cộng đồng của xã đã được đánh giá cao so với các xã trong huyện. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm được 5%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20 triệu đồng năm 2020 lên gần 30 triệu đồng năm 2022…

Luân chuyển cán bộ giúp các xã đặc biệt khó khăn ở Nậm Nhùn ảnh 2

Mô hình trồng dứa xen canh với cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Nậm Manh.

Tại Nậm Pì - một xã đặc biệt khó khăn khác của huyện Nậm Nhùn, với hơn 4.300 nhân khẩu dân tộc Mảng sinh sống, trước đây, nhiều hủ tục lạc hậu cùng nạn uống rượu say khiến cái đói, cái nghèo đeo bám suốt thời gian dài.

Từ khi có các cán bộ huyện luân chuyển về giữ các chức danh chủ chốt, bộ mặt của xã đã có sự thay đổi về mọi mặt.

Luân chuyển cán bộ giúp các xã đặc biệt khó khăn ở Nậm Nhùn ảnh 3

Tại Nậm Pì xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vũ Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Nậm Pì cho biết, việc đầu tiên sau khi ông về nhận nhiệm vụ là tìm cách nâng cao hoạt động thực thi công vụ của cán bộ công chức cấp xã. Sau đó, cán bộ, công chức cấp xã được giao nhiệm vụ rõ ràng theo từng mảng việc để giúp các bản. Các bản ưu tiên lựa chọn những người trẻ có uy tín, có trình độ và biết làm kinh tế để giữ chức vụ trưởng bản.

"Chúng tôi ưu tiên cán bộ, công chức trực tiếp xuống cơ sở để cùng nhân dân thực hiện phát triển các mô hình kinh tế, các chương trình, đề án giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở. Nhờ vậy mà nạn uống rượu trong vùng đồng bào Mảng đã được giải quyết, các hủ tục, tệ nạn dần được đẩy lùi. Nhiều mô hình phát triển kinh tế như chăn nuôi trâu, bò tập trung, trồng chanh leo, trồng rừng gỗ lớn, trồng quế đã được thực hiện đạt kết quả rất khả quan, hứa hẹn sẽ đưa nhân dân các dân tộc nhất là đồng bào dân tộc Mảng thoát khỏi đói nghèo và làm giàu", đồng chí Vũ Văn Thân chia sẻ.

Luân chuyển cán bộ giúp các xã đặc biệt khó khăn ở Nậm Nhùn ảnh 4

Mô hình trồng chanh leo giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng thu nhập.

Theo số liệu thống kê, chỉ trong hai năm có cán bộ huyện tăng cường về xã, xã Nậm Pì đã phát triển được hơn 200 héc-ta quế, gần 100 héc-ta cây gỗ lớn, đã xuất hiện gần chục mô hình chăn nuôi gia súc tập trung như trâu, bò, dê phát triển đều ở các bản, tổng đàn gia súc đã vượt hơn 2.000 con so với trước đây; đàn gia cầm cũng tăng mạnh đạt hơn 10.000 con….

Luân chuyển cán bộ giúp các xã đặc biệt khó khăn ở Nậm Nhùn ảnh 5

Các mô hình chăn nuôi trong dân phát triển ngày càng quy mô, bài bản hơn.

Đồng chí Lù Văn Quân, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Nậm Nhùn khẳng định, công tác luân chuyển cán bộ vừa tạo môi trường rèn luyện cho cán bộ, vừa tăng cường nguồn lực cho cơ sở còn gặp khó khăn.

Đảng bộ huyện Nậm Nhùn xem đây là khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 tới nay, huyện thực hiện luân chuyển, điều động 14 lượt là cán bộ, công chức cấp huyện về các xã giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Các đồng chí cán bộ luân chuyển trẻ, nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã được luân chuyển về các xã đặc biệt khó khăn. Những cán bộ này đã cùng cấp ủy cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo; bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện tốt mối quan hệ công tác với các cơ quan cấp huyện, đem lại chất lượng, hiệu quả cao trong công việc. Kết quả xếp loại đảng bộ, chính quyền cơ sở tại các xã có cán bộ luân chuyển đều xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.