Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trưa nay (24/8), mực nước trên sông Cầu, sông Thương đang lên.
Dự báo, mực nước trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 4,6m, trên báo động 1 0,3m vào tối nay, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương dao động ở mức báo động 1 vào đêm nay, sau xuống dần.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Cảnh báo, lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.
Đặc biệt khu vực đồng bằng sông Hồng, mưa lớn kết hợp lũ thượng nguồn lên có thể làm hạn chế khả năng thoát lũ, gia tăng trở lại tình trạng ngập úng.
Độ ẩm đất gần bão hòa, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở ở Bắc Bộ và Thanh Hóa
Trong những giờ qua, các tỉnh ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hua Bum 3 81,8mm (Lai Châu); Chung Chải 86,8mm (Điện Biên); Song Khủa 77,4mm (Sơn La); Vạn Mai 110,8mm (Hòa Bình); Lùng Cải 72,2mm (Lào Cai); Thượng Quan 95,6mm (Bắc Kạn); Lương Sơn 91,2mm (Thái Nguyên); Nà Ràng 181,4mm (Cao Bằng); Lòng Dinh 93,8mm (Quảng Ninh); Thạch Quảng 167,6mm, Thạch Lâm 103,4mm (Thanh Hóa);...
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, do ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Dự báo, từ nay đến sáng 25/8 ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Hòa Bình và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, cục bộ có nơi hơn 150mm (mưa lớn tập trung vào đêm 24 đến sáng 25/8).
Ngoài ra, từ đêm 24 đến đêm 25/8, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, cục bộ có nơi hơn 200mm.
Cảnh báo, trong những giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở các tỉnh trên, đặc biệt tại các khu vực:
Tỉnh/Thành phố | Huyện |
Lai Châu | Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên |
Điện Biên | Mường ảng, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, Tuần Giáo |
Sơn La | Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Vân Hồ |
Hòa Bình | Cao Phong, Đà Bắc, Hòa Bình, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy |
Lào Cai | Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai |
Yên Bái | Lục Yên, Mù Căng Chải |
Hà Giang | Bắc Mê, Đồng Văn, Hà Giang, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh |
Bắc Kạn | Ba Bể, Bạch Thông, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm |
Thái Nguyên | Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình, Phú Lương, Sông Công, Thái Nguyên |
Cao Bằng | Bảo Lạc, Bảo Lâm, Cao Bằng, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, Trùng Khánh |
Lạng Sơn | Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng |
Quảng Ninh | Cẩm Phả, Đông Triều, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Vân Đồn |
Thanh Hóa | Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Mường Lát, Ngọc Lặc, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thạch Thành, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Thường Xuân, Triệu Sơn, Yên Định |
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.
Ngoài ra, khi trời mưa dông thường kéo theo gió mạnh, ngập nước, thậm chí là lốc xoáy và sét đánh gây nguy hiểm. Người dân nên cẩn thận với các thiết bị điện, điện tử... trong nhà bằng việc không sử dụng điện thoại có dây khi trời mưa có sấm sét vì điện thoại có thể là nguyên nhân dẫn đến sét đánh gây tử vong.