Ông Janez Lenarcic, Ủy viên Quản lý Khủng hoảng EU cho biết, châu Âu là lục địa có tốc độ “nóng lên nhanh nhất toàn cầu” và “đặc biệt dễ bị tổn thương trước các sự kiện thời tiết khắc nghiệt”.
Bên cạnh thiệt hại về người, các quốc gia thành viên EU cũng đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí khắc phục thiệt hại do thiên tai ngày càng gia tăng. “Chi phí trung bình để khắc phục hậu quả các thảm họa tự nhiên trong những năm 1980 là 8 tỷ Euro. Tuy nhiên, vào năm 2021 và 2022, chi phí này đã tăng vọt và vượt 50 tỷ Euro mỗi năm”, ông Lenarcic cảnh báo.
"Chúng ta đang chứng kiến với một châu Âu vừa ngập lụt vừa cháy rừng. Những sự kiện thời tiết khắc nghiệt này... ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn”, ông nhấn mạnh.
Cảnh sát Bồ Đào Nha huy động máy bay để nỗ lực dập tắt đám cháy rừng diện rộng. (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, do ảnh hưởng của bão Boris, một đợt mưa lớn kỷ lục trong nhiều năm đã trút xuống khu vực Trung Âu gây ngập lụt. Tính đến ngày 19/9, ít nhất 23 người đã thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại và hàng nghìn người khác phải sơ tán. Nhiều quốc gia thậm chí đã phải ban bố báo động đỏ.
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, một vụ cháy rừng quy mô lớn đã bùng phát tại miền bắc và miền trung. Chính phủ nước này phải huy động khoảng 5.000 lính cứu hỏa để nỗ lực khống chế hỏa hoạn.
Chỉ tính riêng tại Aveiro, lửa đã thiêu rụi hơn 10.000ha rừng và được dự kiến có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới 20.000ha nữa nếu không được kiểm soát. Theo thống kê ban đầu, ít nhất 7 người đã thiệt mạng, hơn 40 người khác bị thương trong vụ việc kể trên.