Tính đến hết ngày 15/9, số người chết vì lũ lụt ở Trung Âu đã tăng lên 8 người. Trong khi đó, hàng nghìn người khác đã buộc phải sơ tán tại Cộng hòa Czech sau nhiều ngày mưa như trút nước khiến các con sông tại quốc gia này vỡ bờ.
Trước đó, bão Boris đã mang theo mưa lớn với lượng mưa tương đương trong một tháng đã trút xuống một số thủ đô của các quốc gia châu Âu, bao gồm Vienna (Áo), Bratislava (Slovakia) và Prague (Cộng hòa Czech).
Thống kê ban đầu cũng cho biết, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 8 người, trong đó 1 nạn nhân ở tây nam Ba Lan; 1 lính cứu hỏa thiệt mạng khi tham gia cứu hộ tại Áo và 6 người tử vong tại Romania.
Tại Czech, hàng ngàn ngôi nhà đã bị hư hại, nhiều cây cầu bị cuốn trôi. Ít nhất 250.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng do mất điện. Ngoài ra, ít nhất 3 người khác mất tích khi một chiếc ô-tô lao xuống sông Staric, gần Lipova-lazne, khu vực cách thủ đô Prague khoảng 235km về phía đông. Lượng mưa trong khu vực này thậm chí đã đạt khoảng 500mm kể từ ngày 14/9.
Nhận định đây là trận lũ lụt "tồi tệ nhất kể từ năm 1997", Pavel Bily, một cư dân Lipova-lazne, cho hay: "Ngôi nhà của tôi đã chìm trong nước và tôi không biết liệu mình có thể quay về đó được hay không".
Mưa lũ nghiêm trọng đã gây thiệt hại lớn cho các quốc gia Trung Âu. (Ảnh: Reuters) |
Hiện trực thăng đã được sử dụng để sơ tán những người bị mắc kẹt ở quận Lipova-lazne. Trên cả nước, hơn 10.000 người cũng buộc phải di dời nhằm bảo đảm an toàn.
Tại thủ đô Budapest của Hungary, các quan chức đã nâng dự báo mực nước sông Danube sẽ dâng cao trong nửa cuối tuần này lên hơn 8,5m; gần mức kỷ lục 8,91m vào năm 2013.
Khi mưa giảm dần ở Romania, các công nhân đã tìm cách khôi phục nguồn cung cấp điện cho khoảng 11.000 ngôi nhà và các nỗ lực dọn dẹp đã bắt đầu khi người dân khảo sát thiệt hại.
Mưa lũ nghiêm trọng đã gây thiệt hại lớn cho các quốc gia Trung Âu. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, Chính phủ Áo cũng đã tuyên bố bang Hạ Áo (tỉnh bao quanh thủ đô Vienna) là vùng thảm họa và cảnh báo người dân không nên đi lại nếu không thực sự cần thiết.
Tại thị trấn Glucholazy của Ba Lan, một cây cầu đã sập đổ do mưa lũ. Lệnh sơ tán khẩn cấp cũng đã được ban hành. Các phương tiện truyền thông địa phương cũng cho biết thêm, sự cố tương tự cũng xảy ra tại thị trấn miền núi Stronie Slaskia.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết trên nền tảng X rằng Chính phủ nước này sẽ ban bố tình trạng thảm họa và tìm kiếm sự viện trợ của Liên minh châu Âu.