Từ nỗi niềm đồng cảm tới hành động thiết thực
Trước khi bén duyên cùng các bệnh nhi ung thư, chị Lê Thị Mai là một nhà thiết kế trang phục và tổ chức sự kiện với kinh nghiệm trên 20 năm. Vào năm 2012, chị có dịp đến một số bệnh viện nhi tại TP Hồ Chí Minh để thăm và hoạt động từ thiện hỗ trợ các bé có hoàn cảnh khó khăn.
Thoáng nhìn qua một ô cửa sổ, chị Mai thấy một cô bé chừng 5 đến 6 tuổi - độ tuổi mà em đáng lẽ bắt đầu được đi học tiểu học thì lại phải nằm viện. Đến gần một chút, cô bé này đang kê một tấm bìa cứng trên chiếc gối nhỏ để tập viết, mặc dù tay cô bé chằng chịt những kim truyền song nét chữ vẫn vô cùng xinh đẹp và nắn nót.
Trò chuyện thêm và dành thời gian cùng các em, chị Mai đồng cảm với ước muốn bình dị của các em - đó là được đến trường, được đi học như bao đứa trẻ khác. Từ những xúc cảm ban đầu này, câu lạc bộ Nét chữ xinh ra đời với mong muốn tạo một môi trường học tập cho những bệnh nhi ung thư.
Chị Mai ân cần hướng dẫn bài tập cho một trẻ mắc ung thư. |
Ý muốn tưởng chừng đơn giản nhưng gặp vô vàn trắc trở. Đầu tiên, công tác an sinh trẻ em phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy định của nhà nước. Cùng với đó, dạy học cho trẻ nhỏ đã là một thách thức, nhưng nó còn khó gấp bội đối với các em bị ung thư, đặc biệt về tâm sinh lý. Chị Lê Thị Mai chia sẻ: “Mỗi bé một tính một nết nên chúng tôi cần phải hài hòa, tìm hiểu và tiếp cận các con theo hướng tốt nhất, từ đó tạo ra giáo án phù hợp”.
Ngoài ra, thời điểm ban đầu kinh phí rất eo hẹp, đến nỗi chị phải tạm gác công việc chính, làm thêm giờ vào ban đêm để có thêm thời gian cho các bé. Các chi phí ban đầu như bút viết, tập vở hay những phần thưởng, buổi sinh hoạt được chị tự trích tiền cá nhân để tự gây quỹ…
Bởi mọi người chưa có lòng tin nên chưa đồng hành cùng, do đó tôi vừa phải lo kinh phí, vừa bỡ ngỡ trong công việc mới, cùng với đó là cảm xúc dâng trào mỗi khi các con “ra đi”. Trải qua thời gian gắn bó với các con, ai cũng đều cảm thấy sốc và buồn mỗi khi lớp học vắng đi 1 bạn. Chúng tôi cần vượt qua cảm xúc này để làm tốt hơn mỗi ngày.
Chị Lê Thị Mai nhớ lại những thời điểm đầy xúc động
Sự ra đời của "Lớp học vui vẻ"
Vì tính chất công việc thiện nguyện dành cho các bé tốn khá nhiều thời gian, cùng với đó, nhận thấy nhiều lúc các bé buồn, thụ động và không hợp tác điều trị, chị Lê Thị Mai muốn tạo một sân chơi để các bé được vui vẻ, giải tỏa áp lực tâm lý, bệnh lý và phát triển thể chất, tinh thần như những trẻ em khác bên ngoài.
Vậy nên, từ ngày đầu tiên là 23/7/2017 đến nay, chị đã tạm bỏ ngang công việc chính lại để toàn tâm với nhiệm vụ mới - duy trì hoạt động chính của câu lạc bộ Nét chữ xinh, đó là dự án “Lớp học vui vẻ”.
Những ngày đầu đến lớp, tay của một số em vẫn đầy những kim truyền, dù nhói đau phần nào nhưng mỗi khi bước vào lớp, các em đều cảm thấy rất vui, hồ hởi trong không khí tích cực được tăng dần lên mỗi ngày…
“Từ đó mới hình thành cái tên dự án “Lớp học vui vẻ”. Các em đến lớp khoe hôm nay con khám, truyền thuốc, lấy ven… Dù rất đau nhưng đến lớp con cảm thấy đỡ hơn phần nào. Đó cũng chính là những động lực, tinh thần đáng quý để chúng tôi tiếp tục với công việc này”, chị Lê Thị Mai chia sẻ.
Các bé hăng hái tham gia phát biểu trong tiết học. |
Dự án "Lớp học vui vẻ" do câu lạc bộ Nét chữ xinh thành lập vào ngày 23/12/2017 nhằm hỗ trợ giáo dục, ôn tập kiến thức, giáo dục kỹ năng sống, ngoại ngữ, hội họa, âm nhạc và vui chơi sáng tạo dành cho bệnh nhi ung thư nhiều lứa tuổi đang điều trị nội trú tại các bệnh viện nhi TP Hồ Chí Minh.
Mục đích của lớp học là giảm áp lực tâm lý và bệnh lý, mang lại niềm vui giúp các em lạc quan, phối hợp điều trị tích cực hơn. Thông qua lớp học, câu lạc bộ tìm hiểu và thực hiện những nhu cầu thiết thực mà bệnh nhi ung thư cần để động viên tinh thần bệnh nhi và thân nhân.
May mắn thay, những nỗ lực của chị Mai dần được ghi nhận bởi cộng đồng. Chị nhận được sự hỗ trợ của Ban Giám đốc các bệnh viện, các Phòng Công tác xã hội, các y bác sĩ, điều dưỡng trưởng, nhân viên y tế khoa, cùng sự đóng góp kinh phí từ bạn bè, mạnh thường quân và công sức của các bạn tình nguyện viên trẻ ở các trường đại học. Tất cả mọi người đã cùng chung tay góp sức với chị.
Các em có sách vở, đồ dùng học tập đầy đủ. |
Mỗi buổi học như một “ngôi trường” thu nhỏ với các bé từ mọi độ tuổi và cấp độ lớp. Các bé nhỏ xíu thì thích thú với tập tô và nhận biết màu sắc, hình dáng, đồ vật, con vật. Các bé lớn hơn được dạy nhận biết chữ cái và con số để có thể chuẩn bị đi học. Các bé dang dở học cấp một và cấp hai thì được các thầy cô chỉ bảo cặn kẽ từng phép Toán, cách tính, từng câu chữ theo sát chương trình học dở dang mà bé mong muốn. Tiếng Anh thì được đan cài linh hoạt theo độ tuổi các bé tham gia từng buổi học.
“Lớp học vui vẻ” diễn ra mỗi tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần. Riêng ngày thứ bảy và chủ nhật, chị Mai tổ chức các buổi sinh hoạt chung, dạy các em học kỹ năng cơ bản, học vẽ và ca hát. Lớp học đã mang đến bao tiếng cười cho các em bằng những điều vô cùng giản dị và khiến cho không khí nơi đây trở nên ấm cúng, thân thương.
Cả một chặng đường gắn bó với các bé, câu chuyện về "Lớp học vui vẻ" cũng có nhiều nốt thăng trầm. Chẳng hạn nhiều tình nguyện viên đến với lớp học nhưng không gắn bó được lâu. Có những thời điểm, câu lạc bộ không có tình nguyện viên nên chị Mai phải một mình đứng lớp.
Trong giờ học, xen lẫn tiếng đọc bài của các em là tiếng các cô điều dưỡng, phụ huynh gọi con đi truyền thuốc, khám bệnh rồi mới quay lại tiếp tục nên việc học thường bị gián đoạn. Có bé hâm hấp sốt vẫn muốn đến lớp nên chóng mệt, chị và mọi người phải để ý cảm xúc, sức khỏe của các bé để hỗ trợ kịp thời và duy trì tốt thời lượng học.
Có những bé khi học mang cả cây truyền vào lớp, chị Mai phải học từ nhân viên y tế khoa, các ba mẹ và từ cả các bé để biết truyền thuốc còn bao lâu, loại nào một giây bao nhiêu giọt? Quan sát thấy bé khó chịu, chị phải hiểu bé cần gì, quan tâm đến tâm trạng, động viên để các bé đến lớp được thoải mái nhất.
Nhớ lắm những buổi sinh nhật ấm cúng. |
Thông qua lớp học, câu lạc bộ tìm hiểu và thực hiện những nhu cầu thiết thực mà bệnh nhi ung thư cần để động viên tinh thần bệnh nhi và thân nhân bằng các hoạt động như: Sinh nhật tập thể mỗi tháng cho bệnh nhi tại khoa, tổ chức các hoạt động vui chơi dã ngoại hè, lễ hội, Tết thiếu nhi cho bệnh nhi nội trú dịp 1/6, Trung thu, Giáng Sinh, gian hàng 0 đồng và những chuyến xe yêu thương ngày Tết.
Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn kết nối, xây dựng bếp ăn đạt chuẩn nhằm tặng suất ăn dinh dưỡng cuối tuần cho bệnh nhi bồi dưỡng thể chất, quyên góp tóc để làm tóc giả bằng tóc thật cho bệnh nhi ung thư có nhu cầu, giúp các em tự tin hơn.
Câu lạc bộ Nét chữ xinh kết nối mạnh thường quân trực tiếp hỗ trợ viện phí kinh phí cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, liên hệ các nhà xe từ thiện thành lập chuyến xe 0 đồng để giúp các bé bệnh nhi khó khăn đã mất áo quan, chi phí hoả táng, hay các bé nặng kịp trở về nhà trên chặng đường cuối cùng.
|
Một bé gái bệnh nhi ung thư được mang lên mình mái tóc mới. |
Mô hình của Nét chữ xinh cùng với tất cả các hoạt động đã và đang triển khai thường xuyên, liên tục, ổn định ở hai Bệnh viện Nhi tại TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng nhân rộng ở các khoa điều trị ung bướu cho bệnh nhi ở nhiều bệnh viện khác, từ đó lan toả và truyền cảm hứng cho cộng đồng một cách tích cực.
Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng đã và đang chuẩn bị triển khai dự án “Tương lai xanh” với mục tiêu dài hạn về giúp đỡ bệnh nhi ung thư trưởng thành hoàn cảnh khó khăn sau điều trị trở về địa phương có cơ hội học tập, rèn luyện, hướng nghiệp nhằm tìm kiếm công việc/hướng đi thích hợp cho tương lai bệnh nhi, giúp bệnh nhi và gia đình thực sự hòa nhập cuộc sống bình thường và mưu cầu hạnh phúc sau một hành trình gian khổ chiến đấu với bệnh tật, nhất là những bệnh nhi kém may mắn đoạn chi.
Dự án này là bước tiếp nối các hoạt động của câu lạc bộ Nét chữ xinh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “quan tâm, chăm sóc toàn diện bệnh nhi ung thư” để mang lại tương lai tươi sáng cho bệnh nhi và gia đình, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhi quay trở lại cống hiến cho cộng đồng.
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize