Từ năm 2023-2027, học bổng Bông hồng nhỏ phục vụ đã tài trợ gói học phí liên tục trong 4 năm cho hệ đại học và 3 năm học cho hệ cao đẳng, với mức hỗ trợ không vượt quá 50 triệu đồng/năm học. Học bổng không chỉ mang lại quyền lợi cho những người được nhận, mà còn tập hợp nguồn nhân lực đang và sẽ hoạt động trong các chương trình chăm sóc, phát triển y tế và giáo dục cho cộng đồng người yếu thế trong xã hội.
VIẾT TIẾP GIẤC MƠ ĐẾN GIẢNG ĐƯỜNG
Đều đặn mỗi sáng trong tuần, Nguyễn Thị Kiều, sinh viên năm 4 ngành điều dưỡng, Trường đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, lại loay hoay soạn hàng, tất tả bán cơm trước cổng trường tiểu học. Xong xuôi, em chạy ngay đến giảng đường để kịp giờ vào lớp.
Mỗi tháng, công việc này giúp Kiều kiếm khoảng 1 triệu đồng. Cộng với số tiền em đi dọn dẹp vệ sinh văn phòng 3 buổi/tuần, hơn 2 triệu là toàn bộ thu nhập mà Kiều buộc phải tính toán, chi tiêu sao cho vừa vặn trong tháng.
“Suốt 3 năm nay, kể từ khi lên đại học, cuộc sống em như bước sang trang mới. Em đi làm thêm để tự trang trải mọi chi phí sinh hoạt, còn tiền học phí thì may mắn được một cặp vợ chồng hảo tâm cho vay với lãi suất 0 đồng”, Kiều cho hay.
Lớp học miễn phí của "cô giáo" Nguyễn Thị Kiều tại Cơ sở bảo trợ xã hội Hoa Hồng (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh). |
Chẳng ai ngờ được, từ lúc còn là đứa trẻ chừng 6-7 tuổi, Kiều đã chấp nhận rời xa vòng tay bố mẹ, từ Phú Thọ vào thành phố Hồ Chí Minh để được đến trường. Gia đình Kiều thuộc diện khó khăn, mẹ đau ốm liên miên, bố làm nghề thợ mộc để nuôi cả 5 anh chị em khôn lớn.
“Lúc ấy, em còn nhỏ lắm nên chẳng biết nhiều đâu, chỉ nhớ, khi bố mẹ hỏi có muốn vào Sài Gòn để đi học không, em đã gật đầu tắp lự. Ngày đó, các anh, chị đều sợ đến mái ấm. Nhưng nếu không có ai chịu đi thì chắc chắn trong nhà em sẽ có người phải nghỉ học”, Kiều xúc động kể lại.
Khó khăn là thế nhưng cuối tuần nào, em cũng đi hơn 30km từ trung tâm thành phố về huyện Củ Chi bằng xe máy để dạy học cho các bạn nhỏ ở Cơ sở bảo trợ xã hội Hoa Hồng. Đây cũng là nơi đã nuôi nấng Kiều, cho em được đến trường suốt hơn 10 năm qua.
Năm 2023, có 31 sinh viên được nhận học bổng. Đa phần, các em đều đang theo học ngành y khoa và điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm khoa học xã hội, cùng một số ngành khác. Kết quả bước đầu đã giúp các sinh viên trả học phí, có thêm thời gian, động lực để tập trung vào việc phát triển kiến thức. Dự kiến, tổng giá trị học bổng từ năm 2023-2027 mà quỹ sẽ trao tặng là 6,2 tỉ đồng.
Phó Giám đốc Quỹ từ thiện Bông hồng nhỏ Trương Nguyễn Bảo Trân
Sống trong mái ấm nhiều năm, tiếp xúc với nhiều mảnh đời thiếu thốn tình thân từ nhỏ, Kiều hiểu, trẻ mồ côi là đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ hơn ai hết. Không chỉ đồng hành và chia sẻ về mặt tinh thần, Kiều còn trở thành cô giáo, giúp đỡ các em trong học tập.
Cảm nhận được tấm lòng và ý chí vươn lên của Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Quỹ từ thiện Bông hồng nhỏ Trương Nguyễn Bảo Trân chia sẻ, những ai gặp và lắng nghe câu chuyện của Kiều sẽ đều thấy em là một người giàu nghị lực. Dù có hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng em luôn mang suy nghĩ tích cực, khiêm nhường và nhân ái.
“Kiều chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được Quỹ từ thiện Bông hồng nhỏ giúp đỡ. Năm 2023, có 31 sinh viên được nhận học bổng. Đa phần, các em đều đang theo học ngành y khoa và điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm khoa học xã hội, cùng một số ngành khác. Kết quả bước đầu đã giúp các sinh viên trả học phí, có thêm thời gian, động lực để tập trung vào việc phát triển kiến thức. Dự kiến, tổng giá trị học bổng từ năm 2023-2027 mà quỹ sẽ trao tặng là 6,2 tỷ đồng”, bà Trương Nguyễn Bảo Trân thông tin thêm.
Tại Lễ trao học bổng Bông hồng nhỏ phục vụ 2023, Nguyễn Thị Kiều bày tỏ lòng biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ. Từ nay, Kiều sẽ không cần phải vay mượn để đóng học phí và có thể tập trung toàn lực cho những năm cuối của đại học. |
Chọn bông hồng nhỏ làm biểu tượng, quỹ hướng đến các giá trị cốt lõi là yêu thương, chính trực, tôn trọng và tận tâm. Việc trao tặng học bổng nhằm tôn vinh những cá nhân cống hiến thời gian và công sức một cách không vụ lợi để phục vụ cho bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi, người nhiễm AIDS giai đoạn cuối, bệnh nhân phong, các trường hợp khó khăn tại những vùng sâu, vùng xa…
“Khi biết tin mình được nhận học bổng Bông hồng nhỏ, em đã thở phào thật nhẹ nhõm, vì từ nay, em sẽ không cần phải vay mượn để đóng học phí nữa. Em vẫn luôn nói với các bạn trong Cơ sở bảo trợ xã hội Hoa Hồng rằng, nếu kiên trì với việc học, chúng ta sẽ tìm thấy lối ra rộng mở và tươi sáng hơn. Và mỗi người sẽ có cơ hội để thay đổi tương lai của chính mình, cũng như giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ”, Nguyễn Thị Kiều tâm sự.
KHÔNG AI CHỈ NHẬN MÀ CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ TRAO
Ươm mầm những tấm lòng bác ái, học bổng Bông hồng nhỏ còn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp: không ai chỉ nhận mà chẳng có gì để trao. Theo đó, đối tượng thụ hưởng học bổng phải cam kết sẽ làm việc tối thiểu 2 năm tại các trung tâm bảo trợ xã hội, tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận... với mục đích phục vụ cộng đồng.
Trong quá trình xét chọn những cá nhân phù hợp với dự án, Quỹ từ thiện Bông hồng nhỏ đã tìm thấy nhiều trường hợp đặc biệt. Họ đều lấy mục tiêu cống hiến, giúp đỡ người khác làm động lực vươn lên cho chính bản thân mình. Không cần đến cam kết sẽ phục vụ cho xã hội trong vòng 2 năm, họ sẵn sàng gắn chặt cả cuộc đời để làm công việc thiện nguyện, hỗ trợ những người yếu thế.
“Khi thành lập quỹ, chúng tôi luôn đặt sứ mệnh hàng đầu là hỗ trợ những mảnh đời cơ cực, éo le. Nhưng trên thực tế, có quá nhiều người gặp khó khăn và với nguồn lực có hạn, quỹ không thể nào giúp đỡ tất cả. Cho nên, thay vì tiếp nhận từng trường hợp, quỹ có sáng kiến xây dựng một nhóm người có sẵn tinh thần phụng sự cộng đồng, giúp các em có trình độ tốt nhất để sau khi ra trường có thể tiếp nối hành trình ấy”, bà Trương Nguyễn Bảo Trân chia sẻ về ý tưởng xây dựng học bổng.
Với cách thức hoạt động này, mạng lưới trợ giúp những người yếu thế sẽ ngày càng lớn mạnh, sở hữu nguồn nhân lực có đầy đủ kiến thức và kỹ năng ở bậc đại học để giải quyết chuyên nghiệp những vấn đề thiết yếu.
Trong quá trình xét chọn những cá nhân phù hợp với dự án, Quỹ từ thiện Bông hồng nhỏ đã tìm thấy nhiều trường hợp đặc biệt. Họ đều lấy mục tiêu cống hiến, giúp đỡ người khác làm động lực vươn lên cho chính bản thân mình. Không cần đến cam kết sẽ phục vụ cho xã hội trong vòng 2 năm, họ sẵn sàng gắn chặt cả cuộc đời để làm công việc thiện nguyện, hỗ trợ những người yếu thế.
Học bổng Bông hồng nhỏ phục vụ đã thắp lên hy vọng, hỗ trợ nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học đại học. |
Đó là Phạm Thị Thu Hiền, sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Hiền lớn lên ở trại phong Tuy Hòa, tỉnh Bình Định. Cả ông bà và bố mẹ em đều không may mắc phải căn bệnh này. Bố mẹ em bị bệnh ở mức độ nhẹ nên vẫn có thể đánh cá, trồng rau để mưu sinh, kiếm sống.
“Ở làng em có rất nhiều người bị bệnh phong. Em đã chứng kiến những nỗi đau tột cùng về thể xác và tinh thần của họ, nên quyết tâm theo đuổi nghề y để sau này có thể về làng, chữa trị và chăm sóc cho những bệnh nhân ấy”, Thu Hiền trải lòng.
Hiền là người thứ 4 trong trại phong Tuy Hòa theo học y khoa. Dù biết hành trình đến với nghề sẽ lắm gian nan, nhưng chưa bao giờ em ngừng cố gắng. Hiền học không chỉ vì bản thân và gia đình. Em học còn vì muốn cho các em nhỏ trong trại phong có thêm niềm tin rằng, con cháu của những người bị bệnh phong vẫn có thể lên đại học, làm một công việc như bao người bình thường khác và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Học bổng Bông hồng nhỏ phục vụ đã mở ra cơ hội cho các cá nhân dám vượt lên hoàn cảnh chính mình, dấn thân vào hành trình phụng sự cộng đồng dài lâu. |
Đó cũng là câu chuyện của Nguyễn Văn Đạt, một người khiếm thị nhưng quyết tâm trở thành bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo tại Trường cao đẳng Y dược Pasteur, Đạt tiếp tục theo học liên thông ngành vật lý trị liệu-phục hồi chức năng ở Trường đại học quốc tế Hồng Bàng.
Thị lực ở mức 2/10 và chỉ có khả năng nhìn trong vòng 1,5m trở lại, Đạt đã phải chật vật để khắc phục những thiếu sót của mình, tìm cách làm phù hợp với khả năng. Đạt cho hay, em muốn được mọi người nhìn nhận, việc học y đối với những người khiếm thị không phải là chuyện hoang đường hay hư ảo, mà chỉ cần có mục tiêu và nỗ lực theo đuổi thì chắc chắn sẽ làm được.
Trước đây, khi chưa nhận được học bổng, gia đình ở quê của cả Hiền và Đạt đều phải dành dụm từng đồng một để lo cho các em ăn học. Quỹ từ thiện Bông hồng nhỏ đã trao cơ hội, trao niềm tin để các em tiếp tục hiện thực hóa giấc mơ học đại học và hỗ trợ những mảnh đời khốn khó.
“2 năm, 5 năm hay bao nhiêu năm phục vụ cho công tác xã hội em đều rất sẵn lòng. Chúng em đã nhận và được giúp đỡ quá nhiều nên cũng muốn mình trở thành một phần trong đội ngũ giúp đỡ những người yếu thế của xã hội”, Văn Đạt cho biết thêm.
Tính tới nay, Quỹ từ thiện Bông hồng nhỏ đã trao tặng hơn 1.000 suất học bổng đến tay các em học sinh trên địa bàn 29 tỉnh, thành của cả nước. Trong đó, năm học 2023-2024, trao 493 suất, tupwng đương 1,635 tỷ đồng; năm học 2024-2025 trao 600 suất, tương đương 2,24 tỷ đồng.
Mục tiêu của chương trình học bổng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để học sinh có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội tiếp tục và duy trì tiếp tục học tập ở các cấp học; khuyến khích sự nỗ lực và đạt thành tích tốt trong học tập của học sinh; góp phần xây dựng một xã hội công bằng và phát triển, đảm bảo quyền giáo dục của trẻ em.
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize