Mái ấm “0 đồng” của bệnh nhi ung thư

“Đất này tôi thuê. May lắm, người ta không lấy giá cao. Rồi cái may nữa là tôi làm nghề xây dựng nên phòng ốc, đồ đạc bố trí gọn gàng, giúp nhiều bệnh nhi và thân nhân có nơi tá túc. Bệnh nhi và gia đình được hỗ trợ ăn ở, đi lại, ca nào cấp thiết được phụ thêm phần nào chi phí trong cơn nguy kịch”, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm, chủ Nhà trọ miễn phí Thiện Tâm (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Tại nhà trọ “0 đồng” này, mọi người dành mọi sự quan tâm cho bệnh nhi.
Tại nhà trọ “0 đồng” này, mọi người dành mọi sự quan tâm cho bệnh nhi.

Họ còn gì để bán nữa đâu?

Đa số bệnh nhi ở tại nhà trọ Thiện Tâm đều bước vào giai đoạn cuối của quá trình điều trị ung thư. Nhiều em sức khỏe kiệt quệ sau hàng loạt ca phẫu thuật, các đợt hóa trị, xạ trị kéo dài. Sống ở tỉnh lẻ, từ ngày mắc căn bệnh hiểm nghèo, các em phải nghỉ học, xa quê, lên Thành phố Hồ Chí Minh chữa trị mà chẳng biết bao giờ mới được trở về. Bao nhiêu ruộng đất, tài sản trong nhà lặng lẽ ra đi để có tiền lo thuốc thang. Ba mẹ các em đã khóc cạn nước mắt vì xót, vì thương nhưng trước mặt tụi nhỏ, ai cũng cố mạnh mẽ để con an lòng. Thấy người ta cực khổ, khốn cùng, gần 40 năm nay ông Hoàng luôn đồng hành cùng bệnh nhân ung thư theo nhiều cách khác nhau.

Ban đầu, ông vận hành một mái ấm tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (quận Bình Thạnh), giúp được rất nhiều bệnh nhân khó khăn. Đầu năm 2023, sau khi khảo sát tình hình phòng trọ tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức), ông Hoàng về nói với gia đình: “Mình phải làm gì đó giúp mọi người càng sớm, càng tốt. Họ còn gì để bán nữa đâu. Bệnh này điều trị lâu dài, tốn kém đủ đường, giá thuê trọ thì mắc, sao họ trụ nổi”. Vài tháng sau, nhà trọ “0 đồng” mang tên Thiện Tâm mở cửa đón bệnh nhi và thân nhân. Nhà trọ tổng cộng 40 giường và cả không gian sinh hoạt chung. Theo thiết kế ban đầu, nhà trọ có sức chứa tối đa tầm 60 người nhưng vì nhu cầu thực tế quá lớn, ông Hoàng luôn tìm cách sắp xếp giúp thêm.

Quê ở Gia Lai, 8 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan (36 tuổi) chuyển xuống Đồng Nai làm thuê kiếm sống. Vợ chồng chăm chỉ nên cũng đủ tiền lo cho hai con ăn học. Nhưng bốn năm nay, gia cảnh lâm vào khốn khó, vay mượn khắp nơi vì con gái chị Lan là bé Nguyễn Thị Kiều Oanh không may bị u não, phải phẫu thuật và điều trị liên tục. Lúc còn cho con đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, may mắn vợ chồng chị Lan gặp được ông Hoàng. Ông tặng bé Oanh xe lăn, hỗ trợ chút chi phí và cả tiền đi lại.

Từ ngày chuyển sang cơ sở 2, chi phí chăm sóc, điều trị cho con gái của chị Lan tăng mạnh do tiền trọ cao, việc đi lại, ăn uống cũng khó hơn. Phải nghỉ việc đưa con đi trị bệnh, tiền vay mượn từ gia đình, bạn bè cạn kiệt, nhiều đêm chị Lan không ngủ được vì lo. “Có gì bán được vợ chồng tôi bán hết rồi mà bệnh con thì cần điều trị dài ngày, chưa thấy gì khả quan. Nhiều lần bé Oanh nhớ nhà, nhớ trường lớp khóc nức nở, tôi cầm lòng không được, ôm con khóc theo. May mà vợ chồng chú Hoàng hay hỏi thăm, nghe gia đình tôi thuê trọ bên này điều trị cho con, lúc vừa khởi công xây nhà trọ, cô chú đã nói về ở. Gia đình tôi được tới đây từ khi nhà trọ còn chưa khánh thành. Nói thật, không có mái ấm “0 đồng” này, không có sự hỗ trợ từ cô chú, gia đình tôi chắc phải bỏ cuộc vì không đủ khả năng”, chị Lan kể chuyện với đôi mắt ngấn nước.

Về nhà trọ Thiện Tâm, trừ lúc đưa con lên bệnh viện, thời gian còn lại, chị Lan cùng nhiều người nhà bệnh nhân khác luôn tích cực tham gia các hoạt động chung. Sáng dậy, đưa con đi bấm huyệt và xạ trị xong, chị Lan vào bếp phụ sơ chế rau củ quả, nấu nướng để hơn 13 giờ chiều, nhà trọ tổ chức tặng cơm miễn phí cho bệnh nhân ung thư sinh sống trong khu vực. Ở đây, con ai cũng bệnh nặng, nhà nào cũng nghèo nên mọi người thương yêu, giúp nhau đủ việc lớn nhỏ, chẳng có chuyện tị nạnh, cạnh tranh. Đâu chỉ hỗ trợ ăn ở, đi lại thăm khám, điều trị, trường hợp nào nguy cấp hoặc quá khó khăn, ông Hoàng tìm cách vận động bạn bè, mạnh thường quân phụ giúp. Sợ tụi nhỏ buồn, ông mở lớp dạy chữ, dạy vẽ và tổ chức cả chương trình ca hát, vui chơi cuối tuần cho mọi người cùng nhau thư giãn. Ông Hoàng vui khi mọi người gọi nơi tá túc không mong muốn này bằng hai chữ “Gia đình”. Mỗi sáng đến thăm bọn trẻ, thấy đứa nào cũng vui vẻ gọi “Ông Hoàng! Ông Hoàng”, ông biết mình lại có thêm một ngày đủ đầy yêu thương.

Yêu thương còn lại

Ngày ông Hoàng nói sẽ mở nhà trọ “0 đồng” cho bệnh nhi ung thư tại TP Thủ Đức, bạn bè thắc mắc “Mấy chục năm giúp người ung thư chưa đủ mỏi mệt sao, giờ cao tuổi rồi vẫn còn tiếp tục”. Nhiều người sợ ông không đủ sức gánh gồng nên phản đối. Ông Hoàng biết, bạn bè, người thân thương mình nên nói dỗi vì gần 40 năm qua, lắm lúc đuối sức ông cũng từng nghĩ đến việc dừng lại. Thế nhưng, cứ nhìn thấy người bệnh khổ, nhìn thấy ai đó lắt lay bên giường bệnh, ông thương, lại tiếp tục đồng hành.

Mặc dù khi bước vào hành trình buồn nhiều hơn vui này, ông Hoàng đã chuẩn bị tâm lý nhưng sau mỗi lần tiễn biệt bệnh nhi, trái tim ấy lại đớn đau như lần đầu. Có khi nhà trọ phải chia tay 5 cháu chỉ trong một tháng, buồn lắm. Nhiều đêm thương tụi nhỏ quá ông không thể chợp mắt, chỉ mong mình có phép màu để ai cũng khỏe mạnh, về sum họp với gia đình. “Chứng kiến sự mất mát suốt thời gian dài, tâm lý tôi nhiều lúc nặng nề tới mức muốn dừng lại mọi thứ. Nhưng rồi chỉ cần nhìn vào ánh mắt, nụ cười của tụi nhỏ, nhìn vào cách người thân của các cháu thể hiện lòng biết ơn, tôi biết mình phải tiếp tục. Tôi mong sao sẽ có thêm nhiều mô hình như vậy trong cộng đồng dang tay giúp đỡ các bệnh nhân ung thư vì căn bệnh quái ác này điều trị tốn kém lắm”, ông Hoàng tâm tư.

Bên cạnh việc hỗ trợ ăn ở tại chỗ cho gần 80 bệnh nhi và người nhà, mỗi ngày, bếp ăn thiện nguyện của nhà trọ Thiện Tâm còn tặng hàng trăm suất cháo và cơm cho các bệnh nhân khó khăn. Tại bàn tặng cháo, cơm có đặt sẵn chiếc thùng tùy tâm, ai có thì chia sẻ vào đó. Người vài ngàn, vài chục, vậy mà lâu lâu lại đầy, gom cũng được kha khá dành tặng các trường hợp cần hỗ trợ gấp. Đang quan sát dòng người xếp hàng ngay ngắn nhận cơm, điện thoại ông Hoàng đổ chuông. Ở đầu dây bên kia, giọng người phụ nữ trung niên run rẩy: “Chú ơi, chú giúp ba mẹ tôi được không. Sắp tới ngày mổ rồi mà chưa biết xoay tiền ở đâu”. Ông Hoàng vội hẹn người phụ nữ lạ đến nhà trọ, dặn kỹ đem theo giấy tờ bệnh án của cha mẹ.

Cầm trên tay xấp tiền vừa lấy ra từ thùng tùy tâm, chị Lê Thị Sen (quê ở Phú Yên) xúc động cúi đầu. Thấy chị muốn khóc, ông Hoàng vội vỗ vai, nhắn nhủ mấy câu rồi rời đi. Ông sợ nhất là nhìn thân nhân người bệnh khóc. Ông muốn họ mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho người bệnh. Hiểu ý, chị Sen nhận ba phần cơm nóng hổi rồi âm thầm bước đi. Vài phút sau, điện thoại ông Hoàng nhận tin nhắn từ số lạ với một câu ngắn gọn nhưng chứa đủ lòng biết ơn, “Chú đã tiếp thêm sức mạnh để gia đình tôi chiến đấu với căn bệnh này. Tôi sẽ không bao giờ quên”.

Cũng vì ân tình được nhận về trong lúc khó khăn, mệt mỏi chất chồng mà rất nhiều người đã tự nguyện quay lại chung tay giúp ông Hoàng vận hành nhà trọ Thiện Tâm. Trong đó, câu chuyện của ông Dương Công Thành (61 tuổi) khiến nhiều người cảm động. Khoảng 20 năm trước, vợ ông Thành bị ung thư vú, từ An Giang lên điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn đó, ông Thành may mắn nhận được sự hỗ trợ của ông Hoàng. Sáu năm sau, vợ ông Thành mất. Cuộc sống dần ổn định, đầu năm 2023, ông Thành mở thêm quán ăn ở quê nhà nhưng một cuộc điện thoại từ ân nhân ngày xưa khiến mọi thứ thay đổi.

Nghe ông Hoàng chia sẻ vừa mở nhà trọ “0 đồng” cho bệnh nhân ung thư và muốn tìm người giúp quản lý, vận hành, ông Thành chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, xung phong lên thành phố làm ngay. Biết mô hình hoạt động miễn phí, ông Thành cũng không chịu nhận lương dù gia cảnh chẳng dư dả gì. Ông biết, nhà trọ cần những người thấu hiểu bệnh nhân ung thư như mình để có những hoạt động thiết thực nên việc khó mấy cũng chẳng nề hà. Ông Thành chia sẻ: “Ở đây cơm nước đầy đủ, tôi cũng không đi đâu nên lấy lương làm gì. Ngày xưa gia đình được giúp sức, giờ mình đáp trả. Làm gì cho bệnh nhân thấy vui, thấy đỡ mỏi mệt là tôi làm, không bao giờ tính toán”.