Số người nhiễm HIV/AIDS có xu hướng gia tăng trong đại dịch
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tại Việt Nam, trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm cho nhiều khách hàng khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng so năm 2020. Theo báo cáo từ các địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so cùng kỳ năm ngoái.
Số người nhiễm HIV hiện đang còn sống được báo cáo là 212.769 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích tính từ đầu vụ dịch đến nay là 108.849 trường hợp.
Tính từ đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29 (46%) và 30-39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%).
Cũng từ đầu năm 2021 tới nay ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong.
Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%).
Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình tại 8 tỉnh/thành phố là 6,7%, năm 2017 triển khai giám sát thí điểm tại 9 tỉnh/thành phố tỷ lệ nhiễm trung bình là 12,2%, tỷ lệ này năm 2020 là 13,3%.
"Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay", TS Hoàng Long cho hay.
Tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19
Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19, như xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: Hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; Hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV;
Với chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 là: “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Cục phòng, chống HIV/AIDS muốn chuyển tải thông điệp, song song với phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; Đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh)...
Những điểm mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV/AIDS tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 là Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới triển khai cung ứng sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử, hiện đang triển khai tại 4 tỉnh/thành phố: Cần Thơ (11/2020), Hà Nội, Nghệ An (4/2021) và Bình Dương (11/2021).
Bước đầu ghi nhận kết quả khoảng 10% người nhận sinh phẩm có phản hồi kết quả “có phản ứng” và được kết nối với dịch vụ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV.
Cục cũng ban hành hướng dẫn địa phương triển khai nhiều chiến dịch trực tuyến mang tên “Hãy ở nhà và tự xét nghiệm” đã đưa ra phương án lựa chọn, cho phép mọi người có thể đặt hàng bộ tự xét nghiệm qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua nền tảng đặt hàng trực tuyến.
Đa số khách hàng đặt mua bộ xét nghiệm đều là nam giới trẻ tuổi có quan hệ tình dục đồng giới và ở độ tuổi từ 19 đến 24, trong đó khoảng 30% chưa từng xét nghiệm HIV trước đó, 85% khách hàng đặt mua bộ tự xét nghiệm cho biết chính những nội dung trực tuyến đó đã khiến họ muốn xét nghiệm HIV.
"Hoạt động này có ý nghĩa duy trì sự sẵn có của dịch vụ tự xét nghiệm HIV trong và sau lệnh phong tỏa do Covid-19 là một biện pháp cần thiết để bảo đảm những người có nguy cơ nhiễm HIV, trong đó bao gồm cả những người chưa từng thực hiện xét nghiệm HIV trước đó, có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV an toàn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mà không bị gián đoạn", TS Long cho hay.
Về những điểm mới trong triển khai công tác điều trị HIV/AIDS năm qua chính là việc tiếp tục tối ưu hóa phác đồ điều trị thuốc ARV cho người bệnh, lựa chọn thuốc ARV có khả năng ức chế virus cao, ít tác dụng phụ, giảm số lượng viên thuốc, giảm số lần uống.
Bên cạnh đó, Cục đã chuyển phần lớn người nhiễm HIV sang sử dụng thuốc ARV nguồn Quỹ BHYT để bảo đảm người bệnh được duy trì điều trị thuốc ARV liên tục khi không còn nguồn thuốc viện trợ miễn phí; Điều trị thuốc ARV sớm cho người nhiễm mới phát hiện (điều trị trong ngày); Cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho người bệnh ổn định.
Đồng thời, mở rộng quản lý điều trị bệnh đồng nhiễm, như đồng nhiễm HIV/lao, đồng nhiềm HIV/Viêm gan C, bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV nhằm giảm tử vong ở người nhiễm HIV.