Lợi nhuận của 'gã khổng lồ' dầu mỏ Trung Đông bất ngờ sụt giảm

Aramco cho biết tổng doanh thu nửa đầu năm nay là 220,7 tỷ USD, tăng so với mức 218,6 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận giảm còn 56,3 tỷ USD, từ mức 61,9 USD của nửa đầu năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy lọc dầu Aramco ở phía nam thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà máy lọc dầu Aramco ở phía nam thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lợi nhuận nửa đầu năm 2024 của gã khổng lồ dầu mỏ Aramco thuộc Saudi Arabia chỉ đạt 56,3 tỷ USD, thấp hơn 5,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân, theo Aramco, là do ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, công ty vẫn lạc quan về dự báo kinh doanh của cả năm 2024, nhờ triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không và nhu cầu tích cực từ thị trường Trung Quốc.

Trong bản báo cáo doanh thu vừa công bố, Aramco, với tên gọi chính thức là Công ty Dầu mỏ Saudi Arabia, cho biết tổng doanh thu nửa đầu năm nay là 220,7 tỷ USD, tăng so với mức 218,6 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm còn 56,3 tỷ USD, từ mức 61,9 USD của nửa đầu năm 2023.

Phát biểu tại một hội nghị toàn cầu gần đây, Giám đốc điều hành (CEO) đồng thời là Chủ tịch của Aramco, Amin H. Nasser nói, trong nửa đầu năm 2024, nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt kỷ lục 103,2 triệu thùng/ngày, bất chấp một số trở ngại về kinh tế và địa chính trị.

Ông tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nay, khi số lượng đi lại bằng đường hàng không ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc - thị trường mua dầu nhiều nhất thế giới - hồi phục tốt hơn.

Aramco đang lên kế hoạch trả 20,3 tỷ USD cổ tức quý 2/2024 cho các nhà đầu tư và 10,8 tỷ USD cổ tức liên quan tới hiệu suất, đưa tổng cổ tức chi trả trong nửa đầu năm nay lên hơn 124 tỷ USD.

Mặc dù là công ty cổ phần, nhưng chỉ một phần rất nhỏ cổ phiếu của Aramco được giao dịch trên sàn Tadawal, phần lớn còn lại là do Chính phủ Saudi Arabia nắm giữ.

Saudi Arabia là một trong những nhà lãnh đạo trong liên minh Nhóm các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Từ năm ngoái, nước này đã cùng với Nga và một số nước dầu mỏ khác ngoài OPEC đã nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác nhằm thúc đẩy giá dầu toàn cầu tăng. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cắt giảm sản lượng quy mô lớn của OPEC, giá dầu vẫn dao động quanh ngưỡng 80 USD/thùng.

Ông Ziad al-Murshed, Giám đốc tài chính của Aramco, cho biết công ty đã sản xuất hơn 12 triệu thùng dầu mỗi ngày trong 12 tháng qua, nhưng vẫn duy trì khả năng đưa thêm 3 triệu thùng mỗi ngày ra thị trường nếu cần thiết.

Trong quý 2/2024, giá bán dầu trung bình của Aramco đạt ngưỡng xấp xỉ 85,70 USD/thùng, tăng từ mức 83 USD/thùng trong quý đầu năm.

Ông Al-Murshed cho biết, với sự tăng trưởng ổn định về nhu cầu dầu, kết hợp cùng lượng tồn kho toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong phạm vi 5 năm, Aramco tin rằng công ty ở trong một vị thế tốt trong tương lai.

Aramco là công ty có giá trị lớn thứ 5 thế giới, với tổng giá trị tài sản ước đạt 1.700 tỷ USD, chỉ sau Apple, Microsoft, NVIDIA và Alphabet - công ty sở hữu nền tảng Google. Năm 2023, công ty báo cáo kiếm được lợi nhuận 121 tỷ USD, giảm so với mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2022 do giá năng lượng thấp hơn.

Nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của Saudi Arabia, nằm gần bề mặt sa mạc rộng lớn, khiến nước này trở thành một trong những nơi sản xuất dầu thô rẻ nhất thế giới.

Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo của Saudi Arabia, kỳ vọng sẽ sử dụng doanh thu kiếm được từ nguồn tài nguyên dầu mỏ để “xoay trục” cơ cấu bán dầu của đất nước và đa dạng hoá nền kinh tế theo các hướng phát triển mới ngoài dầu mỏ. Nhưng giá dầu thấp hơn dự kiến khiến Saudi Arabia được cho là đang xem xét thu hẹp một số tham vọng do nguy cơ thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.

Mặc dù tuyên bố tham gia tích cực vào những nỗ lực chuyển đổi năng lượng để chống biến đổi khí hậu, nhưng trong những năm gần đây, Aramco đã liên tục nhận sự chỉ trích từ các nhà hoạt động vì môi trường với phàn nàn về việc đốt nhiên liệu hóa thạch làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu./.