IEA vừa khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ không vui, khi đưa ra dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 và giảm dần sau đó, đạt 105,4 triệu thùng/ngày vào năm 2030, trong khi công suất sản xuất dầu dự kiến tăng lên gần 113,8 triệu thùng/ngày. Chênh lệch về nguồn cung và cầu gây lo ngại có thể khiến giá dầu xuống thấp, tạo ra thách thức không nhỏ cho các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).
Theo IEA, dù có suy giảm, nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2030 vẫn được dự báo tăng 3,2 triệu thùng/ngày so mức của năm 2023. Sự gia tăng này một phần do nhu cầu mạnh mẽ từ các nền kinh tế lớn ở châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Ở các nền kinh tế tiên tiến, nhu cầu dự kiến giảm từ khoảng 45,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 42,7 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Theo IEA, dù có suy giảm, nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2030 vẫn được dự báo tăng 3,2 triệu thùng/ngày so mức của năm 2023.
Ngay lập tức, các nước xuất khẩu dầu mỏ phản ứng. Tổng Thư ký OPEC, ông Haitham Al Ghais tuyên bố, không có dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh trong dài hạn. Thậm chí, OPEC còn dự báo đến năm 2045, nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng lên mức 116 triệu thùng/ngày, hoặc cao hơn.
Ông Al Ghais nhận định, dự báo trước đó của IEA là một “bình luận nguy hiểm, đặc biệt đối với người tiêu dùng và sẽ dẫn đến biến động năng lượng ở quy mô chưa từng có”. Lãnh đạo OPEC cũng cho biết, những dự báo tương tự trước đây đã được chứng minh là sai, chẳng hạn như dự báo của IEA về nhu cầu xăng vào năm 2019 hoặc nhu cầu than đá vào năm 2014.
Giới chuyên gia cũng mau chóng bày tỏ quan điểm về cái lý của IEA. Theo các nhà phân tích, cơ quan này đã chỉ ra những thách thức của thị trường dầu mỏ có thể khiến cung vượt cầu trong sáu năm tới, nổi bật là làn sóng “chi mạnh tay” vào công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng. Các khoản đầu tư chưa từng có vào các giải pháp năng lượng thay thế cùng kỳ vọng yếu hơn về kinh tế vĩ mô cũng được cho là sẽ thúc đẩy người sử dụng dầu mỏ hướng tới công nghệ xanh nhiều hơn.
Chia sẻ quan điểm với dự báo của IEA rằng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ từ nay đến năm 2030 chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu ở Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi các nền kinh tế phát triển dự kiến cần ít dầu hơn vào cuối thập niên này, hãng GlobalData cho rằng, nhu cầu năng lượng nói chung vẫn tiếp tục tăng. Hãng chỉ ra rằng, nhu cầu tăng của Mexico sẽ gần bằng mức giảm ở Canada và Mỹ, giúp duy trì nhu cầu chung về dầu của Bắc Mỹ ở mức tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, nhu cầu ở châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông cũng dự kiến tăng. Chưa kể, lo ngại về an ninh năng lượng gia tăng hiện nay có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ tăng vào năm 2030, bất chấp các dự án năng lượng xanh được triển khai. Giới phân tích nhấn mạnh, mối lo ngại về an ninh năng lượng sẽ ngăn cản nhiều quốc gia loại bỏ hoàn toàn dầu mỏ, vốn được xem là nguồn năng lượng dễ tiếp cận.
Dự báo của IEA gây tranh cãi, có thể một phần vì xuất hiện trong bối cảnh thị trường nguồn cung dầu mỏ trở nên đa dạng hơn. Kể từ khi ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ, xu hướng tăng sản lượng dầu ngoài OPEC cũng rõ ràng hơn. Những diễn biến gần đây, như nỗ lực của Brazil nhằm đóng vai trò chính trên thị trường dầu thô, hay sự nổi lên của Guyana, được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng này. Cùng với đó là việc các công ty dầu khí vẫn bi quan về việc các giải pháp năng lượng thay thế được áp dụng rộng rãi.
Dầu mỏ là thị trường rất năng động, với các dự báo thường bị ảnh hưởng từ các sự kiện và xu hướng bất ngờ. Do đó, những rủi ro là hiện hữu, nếu các nhà sản xuất không lường trước hoặc không phối hợp để ngăn chặn tình trạng cung vượt cầu. Khi sản xuất phân mảnh hơn, giải pháp của OPEC+ hạn chế sản lượng để duy trì giá dầu có thể không còn mang lại hiệu quả như mong đợi. Kịch bản giá dầu thấp sẽ buộc những công ty không đủ năng lực cạnh tranh phải chịu lỗ, thu hẹp thị trường, hay thậm chí đóng cửa hoàn toàn n