Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
CHÚNG TA PHẢI ĐỨNG LÊN
Lần giở những tờ giấy khen, bằng khen nhuốm màu thời gian, ông Ngô Đăng Chính (1933) run run nhớ về người anh ruột - liệt sĩ Ngô Đăng Thông. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, ông Ngô Đăng Thông đã tham gia Đội tự vệ Hồng Hà (Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại).
Những người thanh niên Hà Nội ấy đã chiến đấu quyết liệt với giặc Pháp suốt 60 ngày đêm và anh dũng hy sinh. Sau này, Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Ngô Đăng Thông và các đội viên còn lại được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Tiếp bước anh trai, ông Ngô Đăng Chính cũng rời trường học, lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến, ông lại bồi hồi nhớ lại những thời khắc lịch sử của dân tộc.
“Cả anh Thông và tôi đều nuôi hoài bão trở thành những trí thức để góp sức xây dựng nước nhà, song hoàn cảnh lịch sử thời đó đã khiến cuộc đời những thanh niên như chúng tôi thay đổi hoàn toàn,” ông tâm sự.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ của ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Bên trong, “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc nội phản hoành hành. Bên ngoài, giặc ngoại xâm liên tục tấn công.
Chính phủ đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc, song những nỗ lực cuối cùng để bảo vệ nền hòa bình mong manh của dân tộc đã không thể giữ được lâu bởi dã tâm và sự bội ước của thực dân Pháp. Chiến tranh đã nổ ra và nhân dân ta buộc phải cầm vũ khí đứng lên chiến đấu.
Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”
Ông Ngô Đăng Chính hầu như thuộc lòng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Trong câu chuyện dài với phóng viên, ông nhiều lần nhắc lại những khẩu hiệu quyết chiến, hoặc đôi lúc hát lên những câu ca về thanh niên xung phong. Gần 90 tuổi, đôi mắt đã mờ nhưng ông vẫn nhớ rõ những sự kiện lịch sử. Ông khẳng định chắc nịch: “Thanh niên chúng tôi thời ấy một lòng đi theo tiếng gọi của Bác, của Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh đến cùng”.
QUYẾT TÂM SẮT ĐÁ
“Đây là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc”.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Khuất Duy Tiến
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến cho rằng: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy rất ngắn gọn nhưng là văn kiện quan trọng, mang tính chỉ đạo không chỉ trong những ngày đầu, mà còn có tác dụng định hướng cho sự phát triển của cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như sau này.
Trung tướng Khuất Duy Tiến cho rằng, người Việt Nam luôn được thừa hưởng lòng yêu nước, ý chí dũng cảm từ các thế hệ đi trước.
“Từ thế kỷ 13, đất nước ta đã 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông. Tại Hội nghị Diên Hồng, các bô lão đã đồng thanh hô “đánh”, tướng sĩ nhà Trần đã thích lên cánh tay hai chữ “Sát Thát”. Đó chính là biểu hiện của lòng yêu nước và sự dũng cảm. Tinh thần đó tiếp tục được trao truyền đến thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện rõ nét qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”, Trung tướng phân tích.
Ông cho rằng tiếp nối hào khí của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ” thời Trần và “Bình Ngô đại cáo” thời Lê, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là một áng hùng văn bất hủ, chứa đựng những giá trị và tư tưởng mang tính thời đại. Những tư tưởng cơ bản đó cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong giai đoạn mới của cách mạng.
“Trong giai đoạn hiện nay, trước những thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và toàn thể dân tộc ta, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, ông nói.
Phân tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sự, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị, cho rằng văn bản này thể hiện ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia; là sự tiếp nối hợp logic bản “Tuyên ngôn Độc lập”: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sự, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” phác họa những nét cơ bản về đường lối chống thực dân Pháp, góp phần chỉ đạo, định hướng cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân: Mỗi ngôi nhà, từng con phố đều trở thành trận địa, chiến hào; mỗi người dân đã cùng chung vai với đội quân anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và các chiến sĩ tự vệ thành trong trọng trách giam chân địch, tạo điều kiện cho Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn.
Sau khi hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Hà Nội, tiếp tục công cuộc trường kỳ kháng chiến. Để rồi ngày 10/10/1954, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chiến đấu tại mặt trận Hà Nội năm xưa đã đi đầu đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô giữa rừng cờ hoa, niềm hân hoan vô bờ của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
LỜI HIỆU TRIỆU MÃI ÂM VANG
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến là dịp để mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay nhìn nhận rõ hơn một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước.
Trong tình thế hiểm nghèo tưởng chừng như không thể vượt qua khi đó, Đảng ta - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã bình tĩnh, sáng suốt, nhận định đúng tình hình, phát động Toàn quốc kháng chiến đúng lúc, khơi dậy và phát huy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, để dân tộc đứng lên đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” quyết giữ vững nền độc lập, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ý chí và quyết tâm đó rất cần được trao truyền và phát huy lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhân dịp này, nhiều hoạt động đã và đang diễn ra nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng; khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường; tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Một trong số đó là triển lãm “Lời thề Quyết tử” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhấn mạnh, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 75 năm đã cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
Lời kêu gọi thiêng liêng của Người vẫn luôn vang vọng, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.
“75 năm sau Ngày toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay; ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong đó, bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đương đầu chính là minh chứng thể hiện rõ tinh thần và ý chí Việt Nam”, ông nói.
Tham quan triển lãm “Lời thề Quyết tử”, anh Ngô Hoài Nam, cháu nội liệt sĩ Ngô Đăng Thông, xúc động khi tận mắt nhìn thấy những vật chứng lịch sử của một thời cha ông mình đã sống và chiến đấu: Những tấm hoành phi, câu đối người dân Hà Nội dùng để cản bước quân thù; những chiếc gươm giáo thô sơ mà chống lại cả súng đạn; cây bom ba càng còn sót lại trong trận đánh năm 1946…
“Thế hệ chúng tôi sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa. Nếu không nhờ những câu chuyện được kể tại đây và những hồi ức của ông trẻ tôi (ông Ngô Đăng Chính), thì tôi sẽ không thể hình dung ra được chiến tranh ác liệt như thế nào. Tại đây, tôi được biết vũ khí bom ba càng có cán cầm là một thanh gỗ dài khoảng 1,2m, có nghĩa là khi bom nổ thì người cầm rất dễ hy sinh. Theo lời kể của ông trẻ tôi, dù biết vậy song các chiến sĩ vẫn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cảm tử để phá hủy xe tăng địch”, anh xúc động.
Quá khứ hiển hiện trước mắt dường như khiến những người trẻ như anh Ngô Hoài Nam thấu hiểu hơn những hy sinh mất mát của thế hệ trước và trân trọng hơn giá trị của hòa bình.