Thưa nhà nghiên cứu (NNC) Bùi Trọng Hiền, quá trình đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu được coi là hành động “giải thiêng”, nhưng nhiều nhà nghiên cứu không đồng tình với điều này. Ý kiến của cá nhân ông như thế nào?
NNC Bùi Trọng Hiền: Trước hết, vì nghi lễ hầu đồng có rất nhiều giá trị văn hóa nổi bật, đặc sắc, hấp dẫn với nghệ thuật, nên khai thác và đưa vào biểu diễn là điều dễ hiểu. Một nguồn “nguyên liệu” đầy tính nghệ thuật như vậy thì có sức cuốn hút rất khó cưỡng. Nói vậy để thông cảm với những người muốn đưa hầu đồng lên sân khấu, hay nói cách khác là sân khấu hóa hầu đồng. Còn ở góc độ giải thiêng, nếu xét về văn hóa tín ngưỡng nói chung, những hành vi mà sân khấu hóa hành động tín ngưỡng thì có thể coi là giải thiêng. Nhưng ở góc độ khác, có thể coi đấy là sự tôn vinh. Ta có thể thấy, như trong một chương trình hầu đồng, trong đám đông khán giả đầy phấn khích đó, có một số thì coi đó như một tiết mục văn nghệ và vỗ tay tán thưởng hành vi nghệ thuật. Song với một số chân đồng thì nếu diễn bôi bác, làm lệch lạc, kệch cỡm mới bị họ quy kết là giải thiêng. Nhưng nếu họ có tín ngưỡng thật sự, đa phần sẽ coi đó không còn là biểu diễn mà là những ngôi thánh hiển linh thật sự, thậm chí họ còn chắp tay vái lạy người diễn viên trên sân khấu.
Còn ít người biết tới quá trình đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu, thậm chí còn hiểu sai về điều này. Thực ra, khoảng từ năm 1993, các nghệ sĩ chèo đã từng mang hầu đồng tham dự Festival sân khấu thế giới tại Pháp và được đánh giá rất cao, vậy sự thật là thế nào?
NNC Bùi Trọng Hiền: Sau một thời gian dài ít được quan tâm do chiến tranh, rồi nhiều yếu tố tác động, cùng với sự phát triển của đất nước, các di sản văn nghệ dân gian dần được khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc. Để thực hiện đường lối xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc của Đảng, Nhà nước, các nhà hát, các phương tiện truyền thông đại chúng thông qua đội ngũ nghệ sĩ và nhà nghiên cứu đã, đang tìm kiếm, ghi chép, phục hồi, bảo lưu, truyền trao lại những hình thức nghệ thuật diễn xướng giàu bản sắc dân tộc, như hát ống, hát cửa đình, hát xoan... đặc biệt là hát chầu văn vốn rất giàu tính nghệ thuật được đưa lên sàn diễn, phát trên các phương tiện. Những làn điệu rất giàu nhạc cảm của hầu đồng khiến các nghệ sĩ không thể bỏ qua. Nó trở thành chất liệu cho nhiều bài hát mới của các nhạc sĩ. Các làn điệu hát văn được đặt lời mới, được chính thức phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và tại các chương trình ca múa nhạc dân tộc... Tới thời kỳ mở cửa đầu những năm 90 của thế kỷ trước, với nhận thức đổi mới về văn hóa, khi hội nhập thế giới, thấy được ở nghi thức hầu đồng những giá trị rõ rệt, việc đưa hầu đồng lên sàn diễn đã có những biến chuyển mạnh mẽ. Khởi đầu là quá trình sân khấu chèo khai thác đầy đủ cả nhạc hát văn, múa, đóng vai các cô đồng, thầy đồng để diễn tiết mục Ba giá chầu đồng trên sàn diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam. Tôi thấy đó là một chương trình cực kỳ hay, hấp dẫn và cuốn hút khán giả. Sau thành công của Ba giá chầu đồng, tiết mục này không những trở thành tiết mục đinh, tiết mục thường xuyên diễn tại sân khấu nhỏ ở rạp Kim Mã của nhà hát, mà còn lan sang tất cả đơn vị chèo khác. Nghĩa là, hầu đồng lên sân khấu cũng đã chừng hơn hai chục năm nay.
Sau nghệ thuật chèo, các sân khấu khác cũng khai thác hình thức hầu đồng. NSND Lan Hương đã lao tâm để xây dựng chương trình Tâm linh Việt cho đoàn kịch Thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ. Gần đây, mượn địa điểm của Nhà hát kịch Hà Nội, đạo diễn trẻ Việt Tú đã trình diễn chương trình Tứ phủ cũng có những phản hồi tốt. Hay vở chèo đưa hầu đồng như một biểu hiện văn hóa dân tộc rất ngọt vào vở Bắc Lệ đền thiêng… Sân khấu kịch nói cũng cho ra đời chương trình Ngũ biến của ê-kíp NSND Anh Tú, Lệ Ngọc. Vậy, với góc độ của một nhà nghiên cứu, ông có nhận xét gì về sự “bùng nổ” này?
NNC Bùi Trọng Hiền: Tôi thấy không cần lo ngại nhiều về quá trình đưa hầu đồng lên sàn diễn sân khấu, nhưng lại rất băn khoăn và mong muốn có những quy định trong việc thực hành tín ngưỡng này ở cộng đồng. Khác với các hình thức văn hóa phi vật thể khác luôn ở trong tình trạng dễ bị mất đi, khi không còn người kế truyền, thì nghi lễ hầu đồng lại ở tình trạng bùng nổ. Cứ hình dung, khi nhà nhà hầu đồng thì việc lên đồng không còn đặc sắc nữa. Các chân đồng khi đã “thăng hoa” trong bối cảnh được tung hô, cùng đèn nến và mong muốn sao cho độc đáo, khác biệt nên đã làm biến dạng nghi lễ này. Tôi lấy thí dụ, quan hệ giữa cung văn và hầu đồng là quan hệ cung cầu khá rõ ràng. Xưa các chân đồng tứ phủ là những người rất sành về làn điệu chầu văn nên nếu hát sai, họ sẽ bỏ, không chầu nữa. Đàn hay hát giỏi cũng cần người thẩm âm chứ. Nhưng hiện nay, cả hai phía không còn đủ độ sành như xưa. Dàn nhạc thì đủ cả nhạc điện tử, trống da phương Tây cải tiến khiến dàn nhạc hầu cũng… không còn có thể nhận ra nữa. Lời văn được đặt tùy tiện, những điệu cổ khó hát dần mai một, cung văn không cần hiểu nhiều về hát văn nhưng sẵn sàng mau chóng tới đoạn múa để khảy nhạc tưng bừng… Họ sẵn sàng đưa điệu nhạc mới, hiện đại vào điệu hát văn... Chưa kể, khăn chầu áo ngự đã biến tướng thậm tệ, không còn theo bất kỳ quy luật nào. Các cụ chân đồng xưa thì mầu sắc chắc chắn phải có quy định nghiêm ngặt như Thiên phủ là mầu đỏ, Nhạc phủ mầu xanh lá cây, còn Thoải phủ nhất định phải là mầu trắng… Vậy mà hiện nay, gần như là một cuộc trình diễn thời trang các Thánh và dẫn tới dịch vụ thuê khăn thuê áo để chầu. Đó là chưa kể hàng loạt các dịch vụ khác biến tướng theo như vàng mã thật nhiều, lễ thật to… Vừa rồi, tại một vấn hầu ở Lạng Sơn, đã có chân đồng nhập vai thánh, song nghe “văn chầu” không rõ, thế mà nhảy rất sung, tiếc là không theo bất kỳ động tác múa truyền thống từng thấy ở hầu đồng. Bên cạnh đó còn có cả các hành động phản cảm, khi hát múa chầu văn lả lơi và người chầu tới nhét tiền vào áo ngực,...
Với một thực tế tín ngưỡng như vậy, thì việc sân khấu hóa hầu đồng, đưa hầu đồng lên sân khấu chuyên nghiệp phần nào đó chính là cách để chúng ta gìn giữ lại những chuẩn mực của một nghi thức tín ngưỡng và diễn xướng độc đáo của dân tộc đã được các nhà nghiên cứu lưu trữ, phổ biến trong các công trình khoa học.
Xin cảm ơn Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền!