Sau khi đọc thông báo về Quy định đổi trả vé niêm yết tại ga Sài Gòn, nhiều hành khách bất bình vì quy định phí đổi trả vé là 30% giá tiền in trên Thẻ lên tàu hỏa và sau 90 ngày (ba tháng), hành khách mới được hoàn lại tiền vé (sau khi trừ phí trả vé).
Em Lê Nguyễn Hàn Nghi, sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, vừa được nhân viên giải quyết xong thủ tục trả vé cho biết: “Em mua vé tàu đi về Phú Yên ngày 5-2 (tức 24 tháng Chạp), nhưng thấy tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp nên quyết định trả vé tàu, đi về bằng xe đò sớm hơn hai ngày. Ga Sài Gòn quy định phí trả vé là 30% em thấy phí hơi cao, mà ba tháng sau mới được hoàn lại tiền”.
Theo Biên bản trả vé do nhân viên ga Sài Gòn cung cấp cho Nghi, vé tàu Nghi mua giá 1,196 triệu đồng, phí trả vé là 395.000 đồng, số tiền được hoàn lại 837.000 đồng (thời gian nhận tiền hoàn lại sau ngày 3-5-2021).
Ngồi chờ đến lượt làm thủ tục đổi trả vé tàu Tết trong tâm trạng rối bời, ông Lê Hồng Hà, ngụ phường 8, quận Tân Bình cho hay: Tôi mua vé tàu cho cả nhà gồm sáu người về quê Thanh Hóa ngày 7-2 (tức 26 tháng Chạp), loại vé ngồi mềm với số tiền gần chục triệu đồng. Giờ dịch bệnh ập đến nên cả nhà quyết định trả vé không về quê nữa, ở lại Sài Gòn ăn Tết.
Ông Hà đang tìm hiểu quy định đổi trả vé của ga Sài Gòn, sẽ quyết định chọn phương án tối ưu nhất là trả vé bị mất phí hay dời sang đi vào một dịp khác để không bị mất phí. Theo quy định đổi/trả vé niêm yết tại ga Sài Gòn, trường hợp hành khách có nhu cầu thay đổi thời gian và hành trình đi tàu, hành khách sẽ được miễn phí chuyển đổi hành trình, chỉ thu chệnh lệch giá vé (nếu có). Nếu hành khách không sử dụng vé để đi tàu trong năm 2021 sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền kể từ ngày 1-1-2022.
Sáng 2-2, theo thông báo của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn: Đối với hành khách đã mua vé trong thời gian (từ ngày 2-2 đến hết 28-2-2021, tức từ 21 tháng Chạp năm Canh Tý đến 17 tháng Giêng năm Tân Sửu), có nhu cầu đổi, trả vé, ngành Đường sắt thực hiện quy định như sau: Bảo lưu vé trong thời gian một năm (365 ngày) kể từ ngày khởi hành ban đầu; trong trường hợp, hành khách có nhu cầu thay đổi thời gian và hành trình đi tàu, hành khách sẽ được miễn phí chuyển đổi hành trình, chỉ thu chệnh lệch giá vé (nếu có). Đối với hành khách có nhu cầu trả vé, ngành đường sắt sẽ hoàn tiền cho hành khách sau 90 ngày tính từ ngày trả vé với phí trả vé là 30%.
Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cũng lưu ý, hành khách thực hiện việc hoàn đổi, trả vé tại các nhà ga hoặc trả vé online qua website: dsvn.vn (nếu hành khách mua vé và thanh toán online qua website bán vé của ngành Đường sắt, ứng dụng bán vé hoặc các ứng dụng mua vé tàu hỏa của các đối tác thứ ba) ít nhất trước 24 giờ so giờ khởi hành. Việc hỗ trợ chỉ áp dụng một lần đối với một vé.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn chia sẻ: “Kinh phí bán vé tàu Tết chúng tôi đã bổ vào chi phí chuẩn bị vận hành phục vụ chạy tàu Tết, trong khi hành khách dồn dập trả vé sẽ làm chúng tôi không xoay kịp. Do đó, ngành Đường sắt rất cần sự chia sẻ và thông cảm của hành khách, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Tân Sửu 2021 trên tuyến Bắc - Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tổ chức chạy 10 đôi tàu Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại) và tăng cường chạy hàng chục đôi tàu khách khu đoạn trên các tuyến: Sài Gòn - Vinh, Sài Gòn - Đồng Hới, Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Quảng Ngãi, Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết; Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Đà Nẵng... và ngược lại.
Song trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng Công ty ĐSVN vẫn duy trì chạy tàu trên các tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời, triển khai các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn cho hành khách đi tàu.
* Trong ba ngày qua, hàng nghìn người dân đã đến ga Biên Hòa để trả vé tàu Tết, vì lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 xảy ra tại một địa phương ở phía bắc. Do số lượng người tăng đột biến nên nhân viên nhà ga không xử lý kịp thời, dẫn đến nhiều trường hợp bức xúc vì phải xếp hàng cả ngày đến tối, cũng chưa trả được vé.
Khi nghe thông tin dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại ở một số tỉnh phía bắc, anh Trần Văn Nghị, công nhân ở Khu công nghiệp Amata đã quyết định không về quê đón Tết Nguyên đán Tân Sửu. Do đã mua vé tàu cho cả nhà trước đó nên anh đã đến Ga Biên Hòa để trả lại số vé đã mua.
Trong ngày 1-2, dù đã xếp hàng từ 7 giờ 30 phút đến 20 giờ tối, nhưng anh vẫn không thể trả được. Đến sáng 2-2, anh quay trở lại Ga Biên Hòa, nhưng lượng người quá đông, phải xếp hàng lại từ đầu. Bức xúc, anh đã khiếu nại vì cho rằng, tại sao những trường hợp như anh xếp hàng cả ngày hôm qua lại không được đổi vé, trong khi có những người hôm nay lần đầu đến xếp hàng từ sớm lại đổi được. Sau khiếu nại với nhà ga, đến khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, anh Nghị mới hoàn thành việc đổi vé tàu đã mua, nhưng kèm theo điều kiện 90 ngày sau mới nhận được 70% số tiền trên giá vé.
Được biết, trong hàng nghìn người dân đến trả vé tàu, chủ yếu là do thay đổi quyết định không về quê mà ở lại đón Tết, vì lo ngại dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Vé tàu trả chủ yếu đi các tỉnh phía bắc trong những ngày từ 3-2 (tức 22 tháng Chạp) trở đi.
Trả lời phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Đỗ Quang Hòa, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Bình Thuận, đơn vị quản lý Ga Biên Hòa cho biết, trong ngày 1-2, chỉ riêng tại Ga Biên Hòa, trong ngày hôm qua đã có 1.156 vé trả, tương ứng với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng.