Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng Khoa học công nghệ Trần Thị Thu Hà (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, ngành giáo dục đã tham mưu lãnh đạo UBND thành phố, đồng thời chủ động phối hợp các sở, ban, ngành triển khai những nội dung thực hiện văn hóa học đường trong trường học đạt hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở nội dung hai bộ quy tắc của thành phố, ngành giáo dục Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường.
Trong đó, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử; niêm yết công khai những hướng dẫn thực hiện tại các bảng tin, bảng thông báo, trang thông tin điện tử của mỗi nhà trường để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cùng thực hiện. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử thông qua những hoạt động giáo dục, thực hành, tình nguyện vì cộng đồng; coi trọng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học...
Triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang Đào Thị Hường cho biết, hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học và trên không gian mạng, 100% các trường phổ thông thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh. Năm học vừa qua, có hơn 30 nghìn học sinh được phát hiện, tư vấn, hỗ trợ những khó khăn về tư tưởng, tâm lý, trong đó 54 em thuộc diện có nguy cơ bỏ học đã được hỗ trợ kịp thời để tiếp tục theo học.
Mặc dù vậy, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế nhất định. Một số cán bộ quản lý các nhà trường chưa quan tâm đúng mức, chưa làm hết trách nhiệm được giao. Trong khi đó, một bộ phận giáo viên chủ nhiệm chưa quan tâm, nắm bắt kịp thời những khó khăn của học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt như: Bố mẹ ly hôn, ly thân, đi làm ăn xa; nhiều phụ huynh chưa quan tâm giáo dục con cái khoa học, phó mặc cho xã hội và nhà trường...
Bên cạnh đó, vẫn xảy ra tình trạng học sinh vi phạm bộ quy tắc ứng xử, nhất là có hành vi cư xử thiếu lành mạnh, thiếu văn hóa với bạn bè, thầy, cô giáo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục nhận thức và có thay đổi nhận thức công tác này ở tất cả các cấp. Công tác tư tưởng, công tác chính trị, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống là nền tảng, cơ sở để xây dựng nên “ngôi nhà” giáo dục với những chương trình, kế hoạch và những đổi mới. Với đặc thù là lĩnh vực lớn, nhiệm vụ nhiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước các cấp về lĩnh vực này, nhất là rà soát các văn bản, quy định, quy chế để bổ sung, điều chỉnh phù hợp thực tiễn.