Đó là một trong những nội dung được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Ban Tuyên Giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chiều 28/4.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, tham luận của các đại biểu khẳng định, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tham luận đặc biệt nhấn mạnh định hướng giải pháp, tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 1895/QĐ-TTg, để đạt được mục tiêu đề ra.
Trong những năm qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã được ban hành và triển khai hiệu quả. Theo đánh giá bước đầu, các chương trình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của mỗi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên, đứng trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam đối với thế giới thì những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng.
Vì vậy, Quyết định số 1895/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ trẻ có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.
Cùng với đó, khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Quyết định số 1895/QĐ-TTg đề ra một số chỉ tiêu cụ thể và phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 80% thanh niên, học sinh, sinh viên ở đô thị, hơn 70% thanh niên, học sinh, sinh viên ở nông thông, 60% thanh niên học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc và cư trú; đến năm 2030 đạt trên 85%, trên 75% và 65% các chỉ tiêu tương ứng.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% thanh niên học sinh, sinh viên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống, 25% công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì, 20% thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, một trong các vấn đề quan trọng trong Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân.
Nội dung giáo dục toàn diện một lần nữa được khẳng định tại Kết luận số 51-KL/TWngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó yêu cầu: Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân…
Ngành Giáo dục đã chỉ đạo tăng cường công tác “dạy người”, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một bộ phận thanh thiếu nhi có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống như: thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường. Đáng chú ý là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, còn hiện tượng học sinh đánh nhau, học sinh đánh giáo viên; hiện tượng thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, không can ngăn mà còn quay video đưa lên mạng như là một sự cổ súy cho hành vi bạo lực. Học sinh, sinh viên Việt Nam được đào tạo lý thuyết tốt, nhưng thiếu kỹ năng mềm, thiếu tinh thần làm việc tác phong công nghiệp, làm theo nhóm…