Mặc dù đã được dự báo trước xu hướng tăng, nhưng doanh nghiệp cũng khó tránh được tác động từ tỷ giá. USD tăng giá giúp doanh nghiệp xuất khẩu thu được lợi hơn. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất sẽ bị bội chi về phí nhập khẩu, chưa kể đến các chi phí khác như vận tải, vay nợ bằng USD.
Ðến thời điểm này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa đưa ra thông điệp về thời điểm cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Chính vì thế, giá trị đồng USD trong những ngày vừa qua tăng rất cao. Ðồng USD tăng giá sẽ tác động đến giảm giá đồng tiền của các nước khác trên thế giới và Việt Nam. Mặt khác, chính sách hạ lãi suất mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng là yếu tố đã và đang tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng, tiếp tục duy trì vị thế âm - nghĩa là lãi suất đồng Việt Nam thấp hơn so với lãi suất đồng USD.
Trong ba tháng đầu năm 2024, nhập khẩu tương đối tích cực, nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng từ đó nhiều hơn giai đoạn trước… Những điều này đã tác động đến tỷ giá, khiến tỷ giá “nóng” thêm như trong quý I/2024 vừa qua.
Trong công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định tỷ giá là một trong những điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền và sức mua mà còn ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế, nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tác động tâm lý thị trường, nhu cầu ngoại tệ và niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng công tác điều hành tỷ giá và đây vẫn là nội dung được tập trung thời gian tới.
Theo cơ quan quản lý, việc điều hành tỷ giá sẽ được thực hiện theo cơ chế linh hoạt, bảo đảm mục tiêu đặt ra cho dù tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung. Ðó là sự ổn định, sức mua của đồng tiền, bảo đảm hài hòa trạng thái ngoại tệ và luôn duy trì trạng thái dương, cũng như bảo đảm cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.
Thực tế đến thời điểm hiện nay, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đã có mức tăng khoảng 2,6%, nhưng so với đồng tiền của các nước khác, có thể nói tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng USD vẫn thấp hơn; đơn cử so với USD, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá khoảng 1,74%; đồng Bath Thái Lan khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên Nhật khoảng 7,52%...