Linh hoạt ứng phó với biến động tỷ giá

Tỷ giá USD/VND gần đây diễn biến theo chiều hướng đi lên mạnh mẽ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá USD tháng 2/2024 đã tăng 0,4% so với tháng 1/2024, tăng 0,92% so với tháng 12/2023 và tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Biến động tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến ngành da giày do nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bằng USD. Ảnh: HẢI NAM
Biến động tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp đến ngành da giày do nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào bằng USD. Ảnh: HẢI NAM

Trong tuần đầu tháng 3/2024, diễn biến trên thị trường tự do lại “căng” hơn khi tỷ giá USD/VND ở vùng giá cao nhất lịch sử, có thời điểm vượt ngưỡng 25.700 đồng/USD, phá vỡ kỷ lục từng ghi nhận vào tháng 11/2022.

Ẩn số lớn nhất của tỷ giá

Lý giải nguyên nhân đồng USD tăng giá, báo cáo chuyên đề vĩ mô từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố ngày 5/3 chỉ ra ba nguyên nhân. Thứ nhất, giá vàng thế giới đang phục hồi trở lại từ nửa cuối tháng 2/2024 thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong nước. Trong khi đó, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực tăng giá của tỷ giá USD/VND càng mạnh, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do. Thứ hai, dữ liệu thương mại hai tháng đầu năm 2024 cho thấy mặc dù thặng dư thương mại tổng thể mở rộng so với năm trước nhưng thâm hụt thương mại của khu vực trong nước cũng có chiều hướng tăng mạnh, dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức. Thứ ba, việc lãi suất huy động tiền đồng đang giảm về mức thấp cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn đối với các kênh tài sản khác gồm ngoại tệ và vàng.

Là doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu tới hơn 10 thị trường, trong đó chủ yếu sang các nước Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga…, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết, nhờ sự phục hồi nhất định của kinh tế thế giới, nhất là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, nhiều đơn hàng đã trở lại ngay trong những tháng đầu năm 2024. Đến nay doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 4/2024. Tuy vậy, những biến động tỷ giá gần đây đang khiến doanh nghiệp lo ngại.

“Trong bối cảnh kinh tế bình thường, tỷ giá USD/VND tăng có tác động trực tiếp làm tăng giá trị hàng xuất khẩu… nhưng mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn để nhập khẩu máy móc, thiết bị”, ông Việt quan ngại.

Nhìn nhận những tác động này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, về nguyên tắc, tỷ giá tăng làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD; còn các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên.

Tuy vậy, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

“Giá hàng hóa trên thế giới đang tăng do vấn đề lạm phát của các quốc gia. Chính vì vậy, ngoài việc tỷ giá tăng khiến hàng hóa nhập khẩu tăng giá, nếu tính ra VND thì việc chúng ta mua hàng hóa của thế giới cũng là cách chúng ta nhập khẩu lạm phát từ thế giới. Và khi lạm phát tăng cao, nó sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Hiếu phân tích.

Theo dự đoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam, tỷ giá USD/VND đối mặt với áp lực tăng trong quý I năm nay. Những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện có thể xảy ra trong nửa cuối năm 2024.

Ngược lại, yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá trong biên độ cho phép là cung ngoại tệ được dự báo tiếp tục dồi dào nhờ thặng dư thương mại, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kiều hối và du lịch quốc tế phục hồi. Việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đảo chiều nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp chính sách điều hành tỷ giá tại Việt Nam không còn chịu nhiều áp lực như giai đoạn trước.

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 24.000 VND/USD trong quý I/2024; 23.800 VND/USD trong quý II; 23.600 VND/USD trong quý III và 23.500 VND/USD trong quý IV/2024. Ẩn số lớn nhất của tỷ giá năm 2024 là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể trì hoãn quá trình giảm lãi suất, rủi ro chiến sự leo thang ở một số khu vực.

Linh hoạt ứng phó với biến động tỷ giá ảnh 1

Tỷ giá USD/VND đối mặt với áp lực tăng trong quý I năm nay. Ảnh: NGUYỄN NAM

Phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Nếu tỷ giá có xu hướng tăng tiếp, ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể bán ra một phần ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Song, việc bán ngoại tệ này cũng cần phải cân đối trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế.

Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục những chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu hay tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó giảm áp lực cho tỷ giá.

“Đặc biệt, hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trong nước cũng đang tăng lên đáng kể, đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng nhanh hơn tỷ giá ngân hàng. Vì vậy, NHNN có thể sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn được giá bán USD trên thị trường tự do cũng như giảm thiểu được hoạt động đầu cơ này”, ông Hiếu đề xuất.

Còn theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ tích cực như hiện nay, NHNN có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá. Do đó sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Ðặc biệt, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính tiền tệ, tỷ giá và lãi suất.

“Ðể có sự chuẩn bị tốt nhất, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón nhận cũng như ứng phó trước các thuận lợi, thách thức; nâng cao khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài thông qua nâng cao năng lực quản trị, vốn, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính; chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính…”, ông Lực khuyến nghị.

Trước những diễn biến này, NHNN cũng nhìn nhận, trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND có mức biến động lớn hơn tại hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tại thị trường này là rất nhỏ trong tổng thể hoạt động của thị trường ngoại hối trong nước. Gần như toàn bộ các giao dịch phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, vay trả nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp và các giao dịch hợp pháp của cá nhân luôn được các ngân hàng phục vụ đầy đủ trong định hướng quản lý sự ổn định nhất quán từ cơ quan quản lý. Do vậy, các biến động lớn hơn (nếu có) từ thị trường tự do không phải là yếu tố có thể gây áp lực lên sự ổn định của thị trường.